Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

 

Tín ngưỡng thờ trời ở Nam bộ

Thờ Trời là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Đây là một dạng tín ngưỡng sơ khai của con người khi chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên nên cho rằng: mỗi sự vật, hiện tượng xung quanh mình đều có các vị thần linh chi phối, dần dần hình thành nên tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ở Nam Bộ, Trời là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhất.

Thần thoại sáng thế của người Việt kể rằng thoạt kỳ thủy, trời đất là một khối mờ mịt, hỗn độn. Từ trong khối hỗn độn đó, thần Trụ trời đào đất, đắp đá thành một trụ cao to, chống màn trời lên khỏi mặt đất, làm cho trời đất phân định rõ ràng: trời tròn như cái chén úp xuống, đất phẳng như cái mâm vuông. Trời ở trên cao (dương), tạo ra mưa nắng, bão táp; Đất là mẹ, ở dưới mang nữ tính (âm), hàm chứa khả năng sinh sản. Tín ngưỡng cha Trời, mẹ Đất còn mang nội dung mối quan hệ ba ngôi tam tài (tam hoàng): Thiên hoàng (Trời), Địa hoàng (Đất) và Nhơn hoàng (Người); Người ở giữa Trời và Đất phải thông thiên, đạt địa(1).

Ông Trời trong tâm thức dân gian là vị thần tối cao, linh thiêng nên ai ai cũng hướng về. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ thể hiện uy trời. Dân gian hay nói “trời cao có mắt” nhằm chê trách những ai ở đời không có đức, làm nhiều việc ác với hàm ý là sẽ bị quả báo; những kẻ đầu trộm đuôi cướp, lưu manh ba đá, làm việc không có quy tắc, không có kỷ luật, qua mặt người khác là thứ “bán trời không mời thiên lôi”; những người phá làng, phá xóm sẽ bị thiên hạ chửi là “đồ trời đánh”; để nói tránh việc tuổi già sắp chết thì bảo là “gần đất xa trời”; những người không thể thay đổi được hoàn cảnh thì cho rằng đó là do “số trời đã định”; những kẻ vô lo, sinh con đàn cháu đống, không ngại hoàn cảnh khó khăn thường bảo là “trời sinh voi sinh cỏ”… Còn khi nói “thiên bất dung gian” là ý nói Trời sẽ không tha những kẻ gian; “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” hàm ý việc tính toán là do con người, còn thành công hay không là ở Trời; “thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong” là ý nói thuận theo Trời thì sống, trái ý Trời là chết

Ông Trời tuy ở trên cao, có quyền năng siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với dân gian. Đặc biệt, ông Trời còn có chức năng như vị thần công lý là khuyến thiện trừ ác. Hễ ai làm điều ác thì Trời sẽ không tha, còn ngược lại nếu làm điều thiện sẽ được Trời ban phước lành. Vì lẽ đó, ông Trời thường là đối tượng để con người hướng đến cầu cạnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nếu gặp chuyện chẳng lành trong cuộc sống người ta đều kêu Trời để than thở, những khi ốm đau bệnh tật người ta cũng van vái Trời cao

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời.

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Trong văn hóa truyền thống, hình tượng ông Trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt đã được cung đình hóa bằng một nghi thức trọng thể của quốc gia, đó là tế Giao (cùng với Đàn Nam Giao - tế Trời còn có Đàn Xã Tắc - tế Đất). Việc tế Giao đã được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến và là một nghi lễ quan trọng nhất của quốc gia, được bộ Lễ đứng ra tổ chức và nhà vua trực tiếp cử hành. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của một vị Hoàng đế phải làm sau khi lên ngôi”(2).

***

Ở Nam Bộ, hình thức thờ Trời được thể hiện bằng bàn Thiên được đặt trước cửa nhà. Bàn Thiên ở Nam Bộ rất đơn giản. “Trụ cột cao độ 1,5m (bằng gỗ hoặc bằng gạch), trên có bệ thờ vuông, với một lọ cắm nhang, một lọ hoa, ba chung nước lã, có nơi thêm vào một lọ gạo và một lọ muối. Bàn Thiên thường được dựng trước sân nhà; nếu sân đất, người ta tráng xi măng hoặc lót gạch khoảng một thước vuông chung quanh bàn Thiên; ở vùng thị tứ, chợ búa, bàn Thiên có khi đặt trên sân thượng. Mỗi tối gia chủ thắp nhang khấn nguyện Trời Đất rồi xá bốn phương”(3). Tuy đơn giản là thế, bàn Thiên ở Nam Bộ chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của con người đối với bề trên. Đó còn là nơi con người gởi gắm bao ước mơ cao đẹp của mình lên đấng Trời xanh, ngõ hầu mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc.


Bàn thiên của người Việt.

Một vài nơi, hình thức Bàn Thiên có khác. Thí dụ vùng “Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhất là các xã Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu; vùng Thất Sơn (An Giang), nơi có khá đông tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (phái Ngô Lợi - núi Tượng) như các làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập… có dạng bàn Thiên hai tầng. Tầng trên thờ Trời (còn gọi là thờ Chánh Đức Thiên La thần), tầng dưới thờ Đất (còn gọi là Thổ Trạch Long thần), bộc lộ rõ tín ngưỡng cha Trời- mẹ Đất, một dạng tín ngưỡng cổ sơ thờ sức mạnh vô hình hoặc hữu hình của thiên nhiên có khả năng phò trợ hay làm hại con người còn đậm nét. Đồng thời cũng có tính pha tạp với nội dung âm dương giao hòa của thuyết âm dương ngũ hành với ước vọng phong điều vũ thuận vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt”(4). Có nơi lại làm bàn Thiên ba tầng. Tầng trên thờ Trời, tầng dưới thờ Đất và tầng giữa thờ Người, theo thuyết tam hoàng.

Tín ngưỡng thờ Trời của người Hoa được thể hiện qua bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu thường được đặt ở chùa, để cúng tế Trời Đất mỗi khi trong chùa có lễ. Hình thức thờ Trời của người Hoa cũng có khi là một gian thờ Ngọc Hoàng trong chính điện của một ngôi chùa. Trong tâm thức của người Hoa, Ngọc Hoàng được hình dung như một vị vua ở hạ giới. Ông ngồi trên ngai vàng, mặc đại triều phục với áo dài thêu rồng, đội miện hoàng đế làm bằng một miếng ván nhỏ có treo mười ba chuỗi ngọc màu, xâu chỉ đỏ ở đằng trước và đằng sau, hai tay bưng một bài vị theo nghi lễ hoàng đế.

Người Khmer cũng tin vào ông Trời, họ cho rằng Trời quyết định mùa vụ trúng hay thất. Vì vậy, phần lớn nhà của người Khmer ở Nam Bộ đều có bàn Thiên ở trước sân. Có điều, không như người Việt cho rằng bàn Thiên chỉ thờ Trời, theo người Khmer, bàn Thiên còn là nơi thờ Phật, thờ các vị thần Đất… Điều này còn được thể hiện trong lễ cưới của người Khmer, ông Achar dắt cô dâu chú rể đến ngồi dưới bàn Thiên để chọn giờ tốt.

Ngoài những dịp lễ Tết, người Khmer đều thắp nhang trên bàn Thiên hằng ngày để cầu các vị thần phù hộ gia đình được khỏe mạnh, phum sóc được bình an, đồng ruộng trúng mùa, cây trái xanh tươi, trĩu quả

Bàn Thiên của người Khmer khác với bàn Thiên của người Việt và được gọi là đền thờ Ông Thiên. Đền được dựng bởi: “bộ cột tre 4 cây to bằng cườm tay, cao độ 2,2m được đục lỗ gắn đà ngang dọc bốn bên. Phần trên làm thành một ngôi miếu nhỏ lợp lá, có bốn cửa, mỗi cửa ngang 0,15m, cao 0,2m. Bên trong đặt một lư hương, một bình hoa, ba cái chung tức óp (nước ướp nhang thơm và đèn cầy). Bên cạnh song song là hai chiếc Sla tho (cây bông) làm bằng hai khúc cây chuối lớn bằng cườm chân. Đoạn cây chuối được trang trí sau khi khắc cân đối eo thân cây và vạt nhọn hai phần đầu, cắt bằng cân đối và gắn ba chân bằng ba thẻ tre. Đôi khi người ta làm Sla tho trên bằng trái dừa khô. Thường thì từ phần trên của eo cây bông được uốn những lá trầu xếp đôi, những miếng cau tươi chẻ nhỏ, mỗi miếng nhỏ bằng 1/6 của trái cau và nhiều loại bông hoa được ghim vào những cây tăm hay chân nhang và đơm xen kẽ vào thân cây bông, trông rất đẹp mắt”(5).


Bàn thiên của người Khmer.

Ở một số nơi, bàn Thiên của người Khmer cũng làm như bàn Thiên của người Việt, gồm một cột gỗ hoặc xi măng trên đó là một miếng xi măng hay miếng gỗ. Trên miếng gỗ đó có ba chung nước, một lọ hoa. Một vài nơi, bàn Thiên lại được làm sặc sỡ hơn. Đó là một trụ cột xi măng cao khoảng 1,4m- 1,6m, trên đó là mô hình một ngôi chùa nhỏ được trang hoàng đẹp mắt, màu sắc rực rỡ và được trang trí rất cầu kỳ gồm các đường nét, mái nóc uốn cong, trang trí hình rắn thần Nagar... Bàn Thiên này thường đặt giữa hồ sen ở trước nhà, trông rất đẹp mắt.

Ngày nay, xã hội đã phát triển, một số tín ngưỡng cổ sơ đã không còn tồn tại, nhưng tín ngưỡng thờ Trời vẫn mãi còn trong tâm thức người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.

TRẦN PHỎNG DIỀU

 

 

Trao thân con khỉ mốc!

                                                                                         Phi Vân

Hương Ba càu nhàu: "Cái làng gì mà kỳ khôi quá! Các ông nghĩ: Làm cha mẹ, ai cũng muốn cho con nó được nên vợ nên chồng, đàng này họ mảng bo bo mấy cái hủ tục bắt bẻ từ chút, đòi hỏi từ cái lễ mạn, đã thèm rồi mới chịu gả con gái...

- "Chịu gả" mà có xong cho đâu! Ðây để tới lúc mình tới rước dâu rồi chú coi, chém chết ông Bái hay ông Tộc trưởng bên ấy cũng "vặn anh cai Sót đủ điều..."

Ông Chánh Khá nói thêm một cách chán nản:

- Mà cái xứ gì ở xa tí-mù!

Rồi chán nản nhìn hàng cây mắm ở ven rừng, "giẵm chân" bên bờ sông Ông Ðốc.

Chiếc ghe máy có cái mui ngạo nghễ, khoe những dâyc ờ lon con, giăng từ cột buồm ra sau lái.

Tiếng máy chạy sình sịch.

Trời về chiều.

Tàu chạy hôm nay nữa là hai hôm rồi: sông Ông Ðốc, kinh xáng Bà Kẹo, Ðầm Cùn, kinh xáng Thọ Mai, nhưng xóm Kiến Vàng vẫn còn xa lơ xa lắc.

Họ đàng trai đã mệt nhọc ngồi trong chiếc tàu chật hẹp. Người ta ăn hết ba lượt bánh mì với thịt quay mua ở Cà Mau. Chú rể ngày đầu còn khăn đóng áo dài, hôm sau đã cổi dẹp lại một bên, mặc chiếc áo thun giả ngồi ở trước mủi tàu ngong ngóng, thỉnh thoảng vươn vai hít không khí rồi cú rũ nhìn lũ trẻ trong xóm chạy theo tàu trên bờ sông vỗ tay reo:

- Ê! Ðám cưới!...

"Ði họ" còn có coả ba cô gái: áo tím, áo xanh, "bọt bê" dài thườn thượt.

Các cô tỉ mỉ từng chút, luôn luôn sẽ nhặt sống áo và lai quần hàng thẳng bóng để đôi giày cườm khỏi vướng mà làm lấm hư đi...

Hôm xuống tàu, ba cô chọn một chỗ sạch ngồi nói chuyện với nhau khe khẽ, ai mời ăn gì cũng từ chối, thỉnh thoảng đưa cái bốp đầm lên soi kiếng, sửa lại cái vành môi.

Nhưng hôm nay, ông Chánh Khá đã vắt cái áo đen trên vai và gói cái khăn đóng lại; ông chủ hôn Cai Sót đã nằm ngáp trên chiếc sập con, thì các cô cũng đành chia nhau ăn mấy khúc bánh mì còn sót lại.

Son trên môi đã hoen ố, phấn trên má cũng phai đi từ khoảng. Chiếc khăn mù soa đã được nằm trong túi, không còn đeo đẳng với tay nữa. Vì hai bên bờ, rừng tràm và dừa nước, muỗi nó kêu vang lên như khát máu, đập bằng tay có hiệu nghiệmhơn, chớ cầm cái khăn mà chặm chặm thì nó không thắm tháp vào đâu cả.

Hương Ba càu nhàu mãi, và ngán lần đến lúc ông phải đem khay trầu rượu đi trình đàng sui gái...

Năm nay đã gần tứ tuần, nhưng ông còn có vẻ... thanh xuân! Lần này là lần thứ mười tám ông đi làm rể phụ. Hễ bọn thanh niên trong làng có cưới hỏi, là người ta nhớ đến ông, vì ông đã từ trải lắm rồi, lại biết đủ tục lệ.

Ông thường bảo với bọn trẻ:

- Các cậu đừng tưởng làm rể phụ là dễ đâu. Ðể các cậu lãnh vai ấy thì có mà hỏng bét...

° ° °

Anh tài công cho hay:

- Khỏi vàm Mang Giỗ rồi, còn hai cái doi nữa là tới Kiến Vàng!

Trời tối đen. Bầy muỗi tha hồ bu cắn mấy ông đi họ đang sật sử.

Nhưng người ta đã giục nhau:

- Sửa soạn mau lên!

Ông Cai Sót hớt hải:

- Mấy giờ rồi, mấy giờ rồi?

- Mới có mười giờ. Qua giờ Tý mới đúng.

- Thây kệ, giờ nào, tới thì phải lên, đã gần chết rục rồi đây!

Người ta hấp tấp sửa soạn. Hương Ba gò rẫm khăn đóng cho ông Cai Sót; chàng rể gài khuy cho ông Chánh Khá.

Bà sui trai và hai người đàn bà đi họ, mấy ngày giam hãm trong chiếc buồng con đàng sau lái tàu để xới trầu và xỉa thuốc, bây giờ cũng thấy hăng hái xếp đặt lại cái hộp trầu.

Ba cô thiếu nữ nheo mắt lo đánh vội một lớp phấn và rán vẽ được hình trái tim trên đôi môi đỏ óng.

Người ta phủi lại nếp áo, người ta chùi sơ lớp bụi đóng trên mũi giày.

Cây đen tren lủng lẳng giữa tàu giọi trên vách mấy cái bóng người đi đi lại lại.

Ông Hương Ba đã hờm sẳn khay trầu rượu xây qua dặn chàng rể:

- Thanh, mầy bưng cái khay hộp theo tao nhé! Lúc làm lễ, hễ tao đặt khay trầu rượu ở bàn nào thì vợ chồng mầy sẽ lạy ở bàn đó... mà nhớ luôn luôn đứng bên tay trái nghe, "nam tả nữ hữu", rán học cho nằm lòng! Rồi tiếp:

- Còn tại thằng Trí, bưng mâm, khéo lọt mấy trái cam đa, không được giỡn hớt như ở nhà, ở đây người ta khó lắm, coi chừng!...

Còn thằng nào đó, coi qua cái doi chót thì nhớ đốt pháo lên!

Tiếng pháo bắt đầu nổ vang cả xóm thì xa xa có tràng pháo trả lời.

Trên bờ sông mấy con chó hè nhau đứng sủa...

Tàu ghé bênc ái cầu có nhà mát. Cả đoàn lần lượt lên bờ và sắp hàng có thứ tự đi vô sân, đứng đợi.

Trong nhà khách, ba bốn ông lão đang nói chuyện vang quanh chiếc bàn tròn trải khảm đỏ!

Mấy cây đèn sáp rọi sáng cả gian nhà.

Một bọn trai tráng mặc áo dài đen chạy lăng xăng, pha trà, bưng chén.

Họ đàng trai vẫn đứng ngoài chờ.

Hương Ba nóng ruột:

- Mẽ! Tại sao không có người ra mời?

Một câu nói trịnh trọng từ trong nhà khách đưa ra dường như để trả lời:

- Bây ra ngoài mời họ đàng trai đứng chờ đấy. Chưa tới giờ đâu!

Chưa tới giờ! Mấy tên bưng mâm chán nản. Thằng Trí lầm bầm:

- Ðợi tới giờ thì gãy mẹ cái tay đi còn gì! Mỏi thấy tổ rồi đấy!

Ông rể phụ bực mình ghé vào tai ông Chánh Khá:

- Giượng là trưởng tộc, rán đối đáp! Bây giờ mình cứ việc... Tôi sẽ đém dán đôi liễn, rồi thì mình xin cưới đặng về cho kịp con nước một giờ!

Thế là Hương ba bước liều vô nhà và đến đặt khay trầu rượu trên bàn giữa.

Mấy ông lão trợn tròng.

Ông Bái run run, khẽ kéo cái gọng kiếng sụp xuống chót mũi, đầu nghiêng phía trước, cái búi tóc lọt ra ngoài lớp khăn đóng, dựng đứng lên như tức giận, ngó thẳng vào mặt Hương Ba, dữ tợn.

Nhưng Hương Ba đã chắp tay:

- Dạ... Xin... cho phép tôi... dán đôi liễn.

- À! Dán liễn! Mà đã tới giờ đâu? Không phải các ông muốn tới bắt con gài người ta lúc nào cũng được!...

- Dạ, tôi chỉ xin dán liễn!

Một ông họ gái già sọm có cái mép lởm chởm mấy cọng râu ngắn dài không đều, che mái lưa thưa trên hai làn môi mỏng đang "hăm" lui tuốt vô miệng để cái càm lấn nước nhô ra như một lái tàu xà lúp...: làn da mặt nhăn nhíu khô đét như vỏ cây khô cháy nắng; tất cả sự sống đều dồn về cặp mắt loang loáng chỉ nhìn vòng qua cái gọng kiếng bằng thau; cái khăn đóng quấn suông hai vòng, cao, dầy, để lòi ở từng thượng một búi tóc bạc phơ.

Cả gương mặt có một vẻ gì vừa lạnh lẽo, vừa gay gắt mà một đứa bé con thấy được là phải khóc ngay!

Ông họ ấy đang chăm bẳm nhìn mọi người với những nét nhăn không cảm giác, sực lên tiếng khi nghe Hương Ba nói tới liễn.

- Dán liễn à! Ðược!

Người ta thoáng thấy một cái nhích mép đưa nhẹ chòm râu xéo một bên: Cười hay gây? Nào ai biết!

Hương Ba ngờ ngợ nhìn và lanh lợi:

- Ông Tộc trưởng cho phép chúng tôi dán đôi liễn giao hiếu.

- Ðươc. Coi nào!

Không đợi nhắc, Hương Ba lẹ làng phết hồ lên cột.

Ông Tộc trưởng chậm chạp đứng dậy cầm đèn sáp nhỏ đi theo xem.

Lớp tuổi già đè nặng trên lưng, nhưng ông cũng cố gượng ngước lên, tay giơ cây đèn cao khỏi đỉnh đầu, tay gõ bằng mấy cái móng dài thườn thượt trên lớp liễn đỏ, dò từng nét, từng chữ một và chậm chạp đọc:

-Thừa... long... lạc... ỷ... tam... chi... thọ...

Ông gật gù, nặng nề bước qua cột bên kia. Ánh đèn làm nổi bật mấy nét nhăn và chói sáng cả cái "tầng thượng" trên chiếc khăn đóng: mõi cái gật làm búi tóc lắc lư như con "lật đật" của trẻ con!

-Giá... phụng... quan... thành... bách... lượng... xa!

Rồi bằng một giọng ngâm trầm bổng, ông lặp lại và phê bình:

-Thừa long lạc ỷ tam chi thọ ... Hay!

Giá phụng quan thành bách lượng xa... Cũng hay!

Nhưng mà, ông chủ hôn ơi! Ông cắt nghĩa giùm thử coi câu liễn nó thế nào mà tôi "dốt tối dốt tăm" không hiểu được!

Ông lại chép miệng lầm thầm như tự hỏi:

-Tam chi thọ ? Ba nhánh hay ba họ?...

Ông Chánh Khá nãy giờ đứng rón rén cạnh Hương ba, nghe kêu, vội vàng đưa tay lên sửa vàng khăn đóng, mạnh dạn bưới tới biết rằng "chiến cuộc" đã "khai hấn" và sứ mạng của ông là phải giữ danh dự cho phe nhà:

- Dám thưa ông Tộc trưởng, chúng tôi không phải là kẻ thâm nho, tài hèn chỉ đáng làm môn đệ của ông, nhưng ông đã dạy, tôi xin mạng phép vâng lời, nhờ ông không chấp cho chuyện trước cửa Lỗ Ban múa búa. Tôi có thể thích nghĩa xuôi hai câu ấy ra như thế nầy:

Chú rể cỡi rồng nương cây ba nhánh,

Cô dâu hỉ hạ tìm đặng mối trăm xe...

Còn dịch nôm thì tôi nghe ông Ðồ Ướt nhà tôi diễn thử trong câu này:

Rể lành đủ dựa tài lương đống,

Dâu thảo vui nên bậc thế quyền...

Tưởng cũng tạm gọi được là hay vậy. Chẳng hay ông Tộc trưởng nghĩ thế nào?

- Hay? Tạm gọi là hay? Già nầy thấp thỏi không biết nôm na cao kiến như mấy ông, già chỉ biết rằng trong rừng nho biển thánh, không thiếu chi tiếng dùng, sao lại đem nào là "thừa long... giá phụng... " tiếng của bậc đế vương vua chúa vô làm chi cho tủi nhục thêm cho con nhà "dân dã" chúng tôi...

Chánh Khá xanh mặt:

- Thưa ông...

- Thôi, thưa gởi làm chi nữa, theo phép mấy ông trầu rượu tới đây cưới con gái nhà tôi, mấy ông không có quyền khinh khi quá lẽ... Bây giờ tôi muốn coi đồ nữ trang trước rồi đợi tới giờ sẽ hay.

Hương Ba vội vàng mở khay hộp. Ông Tộc trưởng nâng từ chiếc vòng, sợi dây chuyền lên nhìn, bỗng nhiên mắt ông sáng hoắc lạ thường chép miệng hỏi:

- Ủa, sao lại có đôi bông nở mà không có bông búp?

Chánh Khá rối loạn chực nói, nhưng đã bỡ ngỡ nhìn mọi người.

Hương Ba lẹ miệng đỡ lời:

- Thưa bông búp là hồi "ăn trầu uống rượu" kia. Lời tục người ta nói: "Bông búp về nàng, bông nở về anh", vì đường xa xuôi quá, chúng tôi đã yêu cầu trầu rượu cưới hỏi một lần thì chúng tôi tưởng "bông nở" không, cũng đủ lễ rồi vậy...

Ông Bái ngồi chăm chỉ nghe đến đó, bỗng nhiên khóc lên rưng rức:

- Nhà tôi vô phước. Trời ơi, con làm nhục cha nhục mẹ vậy hỡi con!... Sanh con tưởng gả được chỗ môn đăng hộ đối, ai dè họ khi mình đến đỗi này...

Ông Chánh Khá bị "tấn công" gắt quá, đành đưa mắt cầu cứu với Hương Ba lần nữa mà mồ hôi trên trán đã nhỏ giọt.

Hương Ba chẳng nói chẳng rằng, ngoắt chàng rễ bước vào, còn ông thì đến cạnh ông Chánh Khá, láy mắt ngụ ý nói "để tôi" rồi nói lớn để thay đổi cuộc diện:

- Ðã trình đồ nữa trang, thì bây giờ xin lên đèn làm lễ cưới.

Ông Tộc trưởng trợn ngược cặp mắt, đôi lông chân chày dửng lên làm tăng vẻ giận dữ, oai nghi:

- Ai cho phép chú cưới? Tôi bảo đợi tới giờ nghe chưa?

Ông Chánh Khá lập tức trả lời khéo léo:

- Xin ông Tộc trưởng thương giùm. Con rể nó ở đời với nhau được, có phải tại cái giờ đó đâu. Nếu chờ đến giờ Tý, con nước chảy ròng cho đến trưa mai, thì chúng tôi chịu ngược cả máy con nước nữa, chắc chết đói ở dọc đường. Nhất là cô dâu không quen đi đường trường bó ró dưới tàu năm sáu bữa, chẳng là tội nghiệp lắm sao?

Ông Tộc trưởng nín lặng.

Chánh Khá láy Hương Ba. Hương Ba hội ý, xì ống quẹt nổi đèn khay trầu rượu rồi đưa tay ngoắt một cái. Ðám bưng mâm lục tục kéo vào.

° ° °

Trong lúc lộn xộn, Hương Ba lừa dịp kề tai Chánh Khá bảo một câu:

- Lạy họ xong, giượng xin kiếu liền, đừng để trể một phút nào cả. Mình không cần ăn mà cũng không cần họ tử tế nữa. Chẳng lẽ họ níu con dâu lại đâu mà sợ.

Chánh Khá làm như lời.

Họ đàng trại đã thông đồng ăn rập nhau đứng lên một lượt.

Thấy con mình bị "bắt" đi một cách "cấp tốc", bà Bái trong nhà khóc rống lên như đám ma, còn ông Tộc trưởng vỗ bàn ầm ĩ.

Nhưng, đám bưng mâm đã vây quanh hộ tống cô dâu, chàng rể xuống tàu một cách hùng dũng, dẫu phe ông Bái có muốn "phá vòng vây", cũng không tài nào vô nổi.

Mọi người đều xuống tàu, trừ Hương Ba đang hí hửng như vừa "thắng trận", đứng cạnh Chánh Khá nói nói cười cười:

- Vậy cũng xong! Ðó, giượng thấy chưa, mình phải.... mình phải cương quyết, phải... tài ba như vậy mới được chớ!

Bỗng ông Tộc trưởng trên nhà chống gậy xồng xộc chạy xuống níu tay ông Chánh Khá thở hào hển, vểnh râu, sừng sộ:

- Còn lễ... "trao thân gởi mình", sao không làm hử?

Nhưng Hương Ba bước vội xuống tàu, mặt đang nở như hoa, tự nhiên xanh xám lại, kéo đại ông Chánh Khá theo, cộc lốc trả lời:

- Trao thân... con khỉ mốc!

Anh tài công tàu giựt chuông mỡ máy...

 

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Ca dao Miền Tây


Bắt con cá lóc nướng trui 
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa 

Cần chi cá lóc, cá trê 
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. 


Thương chồng nấu cháo le le 
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen

Má ơi, đừng đánh con đau 
Để con bắt ốc hái rau má nhờ. 



Điên điển mà đem muối chua,
Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm!

Muốn ăn bông súng mắm kho
Lén cha, lén mẹ xuống đò thăm anh

Cần chi cá lóc, cá trê,
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều!

Rau đắng nấu với cá trê
Ai đi lục tỉnh thì "mê" không về!

Từ khi em gái lấy chồng,
Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai

Canh chua điên điển cá linh 
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon



Muốn ăn bông súng cá kho 
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Kèo nèo mà lại làm chua 
Ăn với cá rán chẳng thua món nào
. 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016


Ngay 20 thang 11 nam 2016, cuu hoc sinh Trung hoc Kieu mau Can Tho co to chuc buoi hop mat nhan ngay nha giao VN. xin gioi thieu mot so hinh anh buoi hop mat.