Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Thằng Cò 'Đất Phương Nam': Đời tôi quá lận đận

Diễn viên nhí của phim truyền hình nổi tiếng ngày nào giờ sống cô đơn trong gian nhà trọ, mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, cắt tóc, bốc vác...
Thông tin về hoàn cảnh sống của diễn viên Phùng Ngọc - vai thằng Cò của phim Đất Phương Nam - những ngày qua nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Phùng Ngọc sống trong căn nhà trọ gần Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Trong căn phòng bé xíu, gia tài của nam diễn viên gồm một chiếc ti vi cũ và bộ đồ nghề cắt tóc cùng vài món đồ lặt vặt.
Cách đây hai tuần, Phùng Ngọc bị đứt móng tay cái (bàn tay trái) do một lần khuân vác đồ đạc. Vài ngày sau, vết thương nhiễm trùng nặng, sưng tấy và chuyển sang màu đen. Do không có nhiều tiền, anh chỉ sơ cứu qua loa bằng thuốc đỏ và cồn. Vết thương ngày càng trở nặng khiến anh bị đau nhức, sốt liên tục nhiều ngày qua. Hiện anh ở TP HCM để chữa trị vết thương với vết thương ngón tay có nguy cơ bị hoại tử.
Phùng Ngọc trong căn nhà trọ nhỏ ở Bình Dương.
Phùng Ngọc trong căn nhà trọ nhỏ ở Bình Dương. Ảnh: Vân An.
- Sau "Đất Phương Nam", anh đóng thêm vài phim rồi giã từ công việc diễn xuất cho đến nay, vì sao thế?
- Sau Đất Phương Nam, tôi đóng thêm được năm hay sáu bộ phim gì đó nhưng vẫn thấy tương lai của mình ở lĩnh vực này mù mịt quá. Hàng ngày, tôi đạp xe từ Bình Dương lên Sài Gòn tham gia diễn xuất. Đến tối, tôi đạp xe về nhà. Hôm nào quá mệt, không đạp xe về Bình Dương nổi, tôi tấp vô bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM ngủ tạm ngoài hành lang rồi sáng lại ra phim trường. Với Đất Phương Nam, tôi nhận được 6 triệu đồng tiền thù lao, các phim khác còn thấp hơn. Tôi từng nghĩ đi làm diễn viên giống như được khám phá "miền đất hứa" nhưng có bước chân vào mới thấy không phải như vậy. 
Ngày đó, tôi làm diễn viên khi tuổi đời còn nhỏ quá, mới 12 tuổi, nên bị chèn ép đủ điều. Có lần đóng phim xong, tôi được một cô người Pháp tặng một cây sáo rất đẹp. Không lâu sau, đoàn phim nói cần thu âm lại tiếng sáo cho phim, tôi chạy xe đạp từ Bình Dương lên Sài Gòn đưa sáo cho họ, rồi cũng không thấy ai trả lại tôi vật kỷ niệm. Đó chỉ là một câu chuyện buồn khá nhỏ nhặt thôi chứ trong nghề còn lắm thứ bạc bẽo. Cực chẳng đã, tôi mới phải bỏ nghề diễn viên.
phung-ngoc-1-8110-1434694548.jpg
Diễn viên Phùng Ngọc khi đóng vai thằng Cò trong "Đất Phương Nam" ngày trước.
- Rời bỏ nghề diễn, anh làm gì để kiếm sống?
- Rời bỏ "miền đất hứa", tôi về nhà học nghề cắt tóc và mở tiệm nhỏ để làm nghề ở Bình Dương. Thời gian đầu khách rất đông, mỗi ngày tôi bỏ túi khoảng 300.000 đồng. Được vài năm, chủ nhà lấy lại mặt bằng, tôi lại lang thang với nhiều công việc: từ bốc vác, dọn nhà, chở hàng hóa... 
Cách đây hai năm, khổ quá, tôi đành cạy miệng nhờ một người bạn từ những ngày đóng phim chung cho mượn hai triệu đồng mua chiếc xe máy Tàu. Người ta hứa giúp rồi ngó lơ, gọi điện thoại không bắt máy. Tôi buồn lắm vì có đôi lần mở tivi ra xem, thấy người đó nói muốn tìm mình để nâng đỡ mình trên con đường nghệ thuật. Mà buồn vậy thôi chứ tôi không trách ai được, vì giúp hay không là quyền của họ. Sau khi xoay tiền mua được xe, tôi kiếm sống bằng nghề xe ôm. Thu nhập tôi không ổn định, chỉ khoảng 100.000 đồng mỗi ngày nhưng được cái tự do tự tại. 
- Hơn 20 năm từ khi đóng phim "Đất Phương Nam", anh còn gặp lại những người bạn diễn nào trước đây?
Tôi chỉ mới gặp lại chú Lê Quang (vai Võ Tòng) khi chú tình cờ bắt gặp tôi chạy xe ôm ở Bình Dương. Tôi chưa gặp lại Hùng Thuận, dù có số điện thoại của Thuận và cũng nói chuyện với cậu ấy đôi lần. Tôi đọc báo, xem tivi biết Thuận vẫn còn đi đóng phim. Tôi mừng cho bạn, thấy tủi cho mình. Phải chi ngày xưa tôi có người dìu dắt, kinh tế gia đình tương đối, có lẽ giờ tôi đã có định hướng tốt hơn cho tương lai.
- Ngoài mưu sinh, anh gặp biến cố nào trong cuộc sống?
- Tôi từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ tôi là người Quảng Trị, khéo tay, chịu thương chịu khó. Chúng tôi rất yêu thương nhau. Nhưng có lẽ duyên nợ ngắn ngủi nên chỉ sống chung hơn chục năm.
Tôi còn nhớ rất rõ đêm cuối cùng chúng tôi vẫn ngủ với nhau. Sáng hôm sau, tôi bỏ nhà đi khi cô ấy còn đang ngủ, mang theo đúng bộ đồ nghề làm tóc và 80.000 đồng trong túi. Đã hai năm kể từ khi tôi bỏ đi, tôi vẫn chưa gặp lại cô ấy. Tôi ra đi vì quan điểm sống của cả hai trái ngược nhau. Trước đây, vợ kêu tôi về công ty cô ấy làm. Tôi lại quen bay nhảy, không chịu được bó buộc. Những mâu thuẫn đại loại như vậy lớn dần. Không ai bảo ai nhưng tôi hiểu mình phải giải thoát cho cô ấy đi tìm hạnh phúc mới.
Ngoài mẹ tôi, đến nay cô ấy là người phụ nữ mà tôi thương yêu và trân trọng nhất. Chúng tôi cũng có một đứa con, nhưng vì sinh non, nó cũng sớm bỏ bố mẹ mà đi. Mẹ tôi cũng mất từ khi tôi lên sáu tuổi.
- Vì sao anh không tìm hạnh phúc mới?
- Chắc tôi sẽ sống một mình cho đến cuối đời. Phần vì mình nghèo quá tiền đâu mà cưới vợ, phần vì tôi chưa gặp được ai tốt và thương mình như vợ trước. Cuộc đời tôi, điều hạnh phúc nhất là đã cưới được một người như cô ấy.
Giờ tôi đi về một mình cũng quen rồi. Buổi sáng tôi dậy sớm đi chợ, nấu cơm cúng mẹ rồi chạy xe ôm, trưa về ăn cơm và ngủ một giấc, chiều lai rai vài ly rượu với mấy người bạn, tối phụ người cô bán quần áo vỉa hè. Nghĩ lại đời mình lang bạt khắp nơi cũng có khác gì thằng Cò ngày xưa đâu, đi mãi cũng không thấy đâu là nhà. Không biết số phận mình như vậy hay như người ta nói "phim vận vào người".
Phùng Ngọc làm nghề cắt tóc tại nhà trọ.
Phùng Ngọc làm nghề cắt tóc tại nhà trọ. Ảnh: Vân An.
- Một thân một mình, anh làm thế nào vượt qua nỗi buồn đau trong đời?
- Trời may mắn cho tôi cái tính hay quên, chuyện buồn nào rồi cũng qua, tôi không còn nhớ nhiều nữa. Thỉnh thoảng khách hỏi: "Sao tao thấy mày quen quen?", tôi trả lời: "Con là thằng Cò nè", ai cũng bất ngờ. Họ hỏi tôi tại sao không đóng phim mà đi chạy xe ôm chi cho cực. Những người dân quanh vùng cũng gọi tôi là "thằng Cò". Họ cũng thương và giúp đỡ tôi nhiều trong cuộc sống. 
Tôi tìm niềm vui từ những đứa trẻ bán vé số, trẻ bụi đời... - tôi quen ở bến xe. Chúng quấn quýt tôi lắm vì tôi thường dạy chúng làm cái này, cái nọ. Tôi còn truyền nghề cắt tóc cho một đệ tử. Bây giờ nó cũng có công ăn việc làm ổn định. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hát cho bạn bè nghe trong những lần đi nhậu. Tôi hát hay lắm, không thua gì ca sĩ đâu nhé.
- Nếu có cơ hội trở lại với phim ảnh, anh nghĩ sao?
- Với ngoại hình 80 kg như hiện nay, tôi không nghĩ có ai muốn mời tôi đi đóng phim trở lại. Mà có lẽ giờ tôi không còn phù hợp với nghệ thuật nữa. Vai diễn thằng Cò trong Đất Phương Nam sẽ luôn là một dấu mốc đẹp trong cuộc đời buồn nhiều hơn vui của tôi. 
Những ngày qua, tôi được một vài khán giả gọi điện hỏi thăm, tôi xúc động lắm. Không ngờ bao nhiêu năm trôi qua, người ta vẫn nhớ, vẫn thương mình. Thôi cũng gọi là chút an ủi từ tổ nghiệp.
Có người nói tôi thiếu chí lớn, có người nói tôi kém duyên, không có phước phần. Sao cũng được, tôi nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều người. Tôi cũng không mong cầu gì lớn lao, chỉ cần đủ nuôi thân ngày ba bữa và trị dứt điểm bệnh tật. Tôi dự định sẽ vào Sài Gòn làm nghề hớt tóc dạo, cũng sáng đi chiều về Bình Dương. Nếu may mắn gom đủ vốn, tôi muốn mở lại một tiệm hớt tóc nhỏ khang trang hơn thay vì chỉ ngồi chờ mối quen đến nhà để làm như bây giờ. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 6 điều du khách rất sợ khi tới Việt Nam

(TNO) Sáng nay 11.6, trao đổi với báo chí về những vấn đề của ngành du lịch Việt Nam trong giờ nghỉ giải lao của Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, du lịch Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực vì chưa giải quyết được 6 điều mà du khách quốc tế “rất sợ”.

“Nói du lịch, ai cũng nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp, con người rất tốt nhưng sao du lịch của mình thua kém các nước nhiều thế? Nhìn sang Thái lan, Malaysia, họ có 27 - 30 triệu khách/năm; Singapore cũng có 15 - 16 triệu khách. Thu nhập từ khách du lịch của Thái Lan một năm cũng 50 - 60 tỉ USD. Mình chỉ được khoảng 10 tỉ USD, khách được khoảng 8 triệu. Bây giờ đặt ra những vấn đề gì?”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo ông Vũ Đức Đam, phát triển du lịch còn cần nhiều vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, khách sạn… “Tất cả những cái đó phải có quá trình. Nhưng tôi nghĩ, phải tập trung ngay vào những việc không cần phải tiền nhiều mà du lịch cũng lên được. Khách du lịch đến Việt Nam có 6 điều họ sợ, nếu chúng ta giải quyết được những điều này, thì không cần tốn tiền mà du lịch cũng lên”, Phó thủ tướng nói.
6 điều đáng sợ với du khách khi đến Việt Nam, theo Phó thủ tướng, trước tiên là tình trạng “làm giá, chặt chém”. “Cái này không chỉ kinh tế mà làm cho khách du lịch họ cảm thấy không được coi trọng, bị coi thường”. Thứ hai, khách du lịch quốc tế rất sợ giao thông Việt Nam. “Đi ra Hà Nội, TP.HCM, người ta nhìn thấy tình trạng giao thông rất không an toàn”, ông nói.
Vấn đề thứ 3 mà Phó thủ tướng chỉ ra là tình trạng ăn xin, tình trạng ăn cắp vặt. “Chúng ta đều hiểu là đi du lịch, người ta muốn có sự thoải mái, thanh thản, muốn khám phá cái mới, nhưng sang Việt Nam, họ thấy cảnh những người ăn xin hay những người đóng giả ăn xin thì họ có ấn tượng ám ảnh. Có người họ lên mạng nói, không chỉ ám ảnh khi ở Việt Nam đâu mà về rồi vẫn còn ám ảnh. Những cái đó mình có làm được không, đâu có mất tiền?”, ông nói.
Điều đáng sợ thứ 4 với du khách quốc tế khi đến Việt Nam là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, khi họ trực tiếp thấy cảnh ở vỉa hè, đường phố, người ta bốc thức ăn mà không có bao nilon. “Họ sợ, mà càng người ở các nước phát triển đến họ càng sợ”, ông nói. Liên quan đến việc này, theo ông Đam, khách du lịch nước ngoài cũng sợ về môi trường ở Việt Nam không chỉ rác rưởi, rồi nhà vệ sinh bẩn khủng khiếp… “Ngay ở các khu du lịch trọng điểm, người ta xả rác ra đường, nơi công cộng rất thản thiên. Không hề có ý thức bảo vệ môi trường”, ông dẫn chứng.
Điều đáng sợ thứ 6 của khách du lịch nước ngoài, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người Việt Nam tuy cơ bản rất mến khách nhưng cũng có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách. “Như khi mua bán, nhiều nơi, mời người ta vào mua, người ta không mua là thể hiện ngay thái độ thiếu tôn trọng. Dù không biết tiếng, nhưng khách du lịch ngoại họ cũng cảm nhận được”, Phó thủ tướng nói.
Trả lời phóng viên Thanh Niên Online, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ xử lý những vấn đề quan trọng nhưmiễn visa hay giảm phí, giảm thủ tục visa. “Vừa rồi, Chính phủ đã bàn và đã có những bước không chỉ tăng số nước mình miễn visa theo xu hướng thế giới và khu vực, mà tất cả các khâu liên quan cũng phải cải tiến. Để người ta cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn”, ông cho biết.
Tuy nhiên, quay lại vấn đề “nỗi sợ của du khách quốc tế ở Việt Nam”, Phó thủ tướng cho rằng, đó là những vấn đề rất cụ thể, nhiều địa phương, nhiều ngành phải vào cuộc, những người quản lý ở các trung tâm, những cơ sở du lịch trọng điểm phải chú ý giải quyết.
“Đây không chỉ là vấn đề du lịch, mà là nếp sống, là văn hóa mà chúng ta phải xây dựng. Có tự hào hay không là ở cái đó. Chúng ta có thể còn nghèo, nhưng những điều đó, chúng ta vẫn có thể làm tốt để du lịch phát triển lên, văn hóa lên, bộ mặt đất nước sẽ khác”, ông chia sẻ.
              "AI DÁM TRỞ LẠI VN LẦN THỨ 2 LÀ RẤT DŨNG CẢM"

Cướp máy bay quân sự để vượt biên

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-01-26
photo-600-2.jpg
Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015
Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA

Vào ngày 24/11/1979,  một cuộc không tặc máy bay quân sự C130 vô tiền khoáng hậu tại sân bay Tân Sơn Nhất của một nhóm 13 người trốn chạy khỏi VN gây chấn động thế giới. Họ là ai? Cuộc vượt biên bằng máy bay này ra sao? Ông Trương Văn Ẩm, người lên kế hoạch cuộc không tặc kể lại câu chuyện sau 36 năm:
“Không có động cơ nào hết bởi vì năm 1975 tôi đã sắp xếp đầy đủ, sẵn sàng chỗ máy bay cho ông già bà già, cho vợ con đi mà cuối cùng bà già với anh em cương quyết không đi. Tôi không đi được thì tôi nghĩ không bao giờ đi nữa”.
Ông Trương Văn Ẩm, một nhân viên trong ngành kỹ thuật hàng không làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, được giữ lại trong Cục Kỹ thuật Không quân sau năm 1975 bắt đầu câu chuyện kể của mình qua câu hỏi của Hòa Ái rằng động cơ nào khiến ông đi đến quyết định trở thành một tên không tặc đối với chính phủ VN lúc bấy giờ.
Tuy cuộc sống của ông và gia đình không còn được sung túc như thời VNCH nhưng vẫn tốt sau khi Sài Gòn đổi tên thành TP. HCM. Ông Ẩm không hề manh nha nghĩ đến một cuộc ra đi nào sau khi cả gia đình quyết định ở lại VN. Thế nhưng, một chuyến công tác ra Hà Nội đầu tiên và cũng là cuối cùng đã tác động ít nhiều đến cuộc không tặc định mệnh trong cuộc đời ông:
“Đùng một cái vào ngày mùng 2 tháng 9, lễ Quốc khánh năm 1979, tối đang ở nhà coi ti vi với bà con lối xóm thì ông thủ trưởng lái xe jeep ra, đi với mấy người lính, nói  với tôi rằng anh có lệnh phải đi công tác Hà Nội. Từ hồi mất nước khi tôi ở lại dù có yêu cầu đi Hà Nội mấy lần nhưng tôi không muốn đi. Không biết tại sao động lực nào xui khiến lần này tôi đi liền. Nhiệm vụ của tôi, thứ nhất là tôi phải coi một chiếc máy bay C30 bị hư lâu rồi mà không sửa được. Nhiệm vụ thứ hai là tôi phải vào Cục Kỹ thuật Không quân, thuộc Bộ Tư lệnh Không quân để thuyết trình những hoạt động máy bay của Mỹ trong này cho mấy ông lớn ngoài đó nghe. Tôi ra Hà Nội, tôi coi thì chiếc máy bay không bị hư hỏng nặng, chỉ bị hư nhẹ thôi nhưng vì mấy người không có kinh nghiệm. Tôi lên coi máy, tôi hỏi rồi tôi chỉ anh em làm có nửa tiếng đồng hồ xong”.
Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở lại. ‘Bởi vì mày ở lại mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một thời gian thôi đến khi nào nó biết hết’
- Ông Trương Văn Ẩm
Nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành nhanh chóng và đến giờ vào Cục Kỹ thuật để thuyết trình. Thế nhưng bức tranh về xã hội miền Bắc dưới chế độ Cộng sản lần lần được hiện ra rõ nét trong tâm tưởng ông Trương Văn Ẩm. Bắt đầu từ giây phút ông bị anh lính gác cổng không cho vào thuyết trình vì cách ăn mặc miền Nam không đúng theo tiêu chuẩn quy định cho đến Thượng úy trực ban cũng không thể can thiệp cho vào để ông làm tròn nhiệm vụ thứ 2 được giao. Vì nguyên nhân này mà ông Ẩm có thời gian tham quan Hà Nội, được tận mắt thấy cảnh đời sống thường nhật của người dân Hà thành, kể cả những trí thức trở về từ các nước Đông Âu.
Do thời tiết bị bão, không có máy bay về lại miền Nam, ông Trương Văn Ẩm quyết định về thăm cố hương Thái Bình, nơi ông di cư từ hồi 8, 9 tuổi. Họ hàng gần xa đều đến đông đủ tay bắt mặt mừng. Trong thời gian 3 ngày thăm viếng, lời khuyên ngắn gọn của người cậu ruột ám ảnh ông Trương Văn Ẩm:
“Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở lại. ‘Bởi vì mày ở lại mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một thời gian thôi đến khi nào nó biết hết’”.
Rồi buổi gặp mặt tình cờ với phi công Tiêu Khánh Nha đã khiến ông Trương Văn Ẩm đi đến quyết định cho một chuyến vượt biên bằng máy bay quân sự sau khi nghe chia sẻ của Thượng úy “chế độ mới” này:
“Ông nói cái vụ chiến tranh biên giới năm 1978, tôi mang họ Tiêu, nó nói tôi gốc Tàu mà tôi có biết ông cố nội tôi có phải Tàu không. Nhưng bây giờ nó muốn hất tôi ra khỏi sân bay, không cho tôi được phép đi tới gần máy bay, chờ nó cho về vườn thôi”.
Kế hoạch cho một cuộc vượt thoát bằng cách cướp chiếc máy bay quân sự C130 đang được ông Ẩm phụ trách sửa chữa ở sân bay Tân Sơn Nhất được lập ra chớp nhoáng. Mọi dự trù về xăng nhớt, an ninh, phòng không đều được bàn tính chi ly chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày.
“Nếu đi đúng giờ giấc thì mình cất cánh rồi thì F5 Biên Hòa chưa cất cánh. Lý do khi nghe báo động dưới này thì phải gọi lên phòng tác chiến trên đó. Phòng tác chiến phải kiểm tra tới, kiểm tra lui. Đúng thì mới ra lệnh xuống Phòng hành quân và Phòng hành quân mới ra lệnh cho phi công ra máy bay thì mất khoảng 10 đến 15 phút. Thời gian nói chuyện với nhau cũng mất 5,10 phút rồi. Khoảng 25 đến 30 phút máy bay mới cất cánh được mà mình cất cánh 15 phút thì đã mất tiêu rồi”.
Kế hoạch bị trì hoãn, thay vì xuất phát vào giờ G ngày thứ Tư thì mãi đến giờ cơm trưa ngày thứ Bảy, nhóm người trong tổ nhân viên kỹ thuật hàng không của ông Ẩm và 1 bộ đội canh gác máy bay trên mặt đất bị khống chế bắt đầu giây phút trở thành không tặc:
“Khoảng 11 giờ bắt đầu tôi cho anh em quay máy. Khi vừa quay máy được chút xíu, khoảng 5 phút thì có 2 anh bộ đội kéo một chiếc máy bay loại C119 đi ngang ‘taxi way’(đường di chuyển nội bộ trong khu vực sân bay), dừng lại ngay giữa đường, đứng đó là mình không bay ra vô được nữa. Chiếc máy bay đó lớn lắm”.
3sBddVM6-400.jpg
Chiếc máy bay C130, ảnh minh họa
Theo kế hoạch, vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của phi công Tiêu Khánh Nha sẽ xé hàng rào chạy vào sau khi nghe tiếng 4 động cơ chiếc C130 được khởi động. Nếu trục trặc xảy ra thì các động cơ sẽ bị tắt. Đây là tín hiệu cho gia đình phi công này không được di chuyển tiếp cận máy bay. Do bị chiếc C119 chắn ngang, 4 động cơ bị tắt trong khi ông Ẩm đang cố gắng tìm cách giải quyết thì phi công Tiêu Khánh Nha không làm theo kế hoạch:
“Ông Nha nóng ruột, chun hàng rào chạy vô. Ông cứ hỏi, tôi nói anh cứ đi ra đi, ăn cơm xong rồi liên lạc sau. Anh đi ra khỏi đây đi. An ninh, Bảo vệ mà thấy anh với tôi nói chuyện là phiền phức”.
Sau đó không lâu, mọi việc suông sẻ:
“Tôi sắp xếp xong đàng hoàng thì quay máy khoảng 5 phút sau, nhìn ra phía hàng rào vẫn không thấy gia đình ông Nha đâu hết”.
Trong giây phút căng thẳng không thấy gia đình phi công Tiêu Khánh Nha xuất hiện thì 1 bộ đội chạy đến khiến mọi người chết đứng. Hóa ra là người trong gia đình phi công Nha “ăn theo”, mặc đồ lính, xé rào chạy về hướng máy bay. Cuối cùng 13 người có mặt trong phi hành đoàn bất đắc dĩ và chiếc C130 bắt đầu lăn bánh sau 2 giờ chiều ngày 24/11/1979.
“Vừa lái thẳng chiếc máy bay tới ngang Ga Hàng không Việt Nam, chỗ Đài kiểm soát là tống ga cất cánh lên liền quẹo về hướng Cát Lái. Lúc đầu định đi qua Biên Hòa rồi đi thẳng ra Vũng Tàu nhưng phút chót lại đổi ý. Khi cất cánh lên được rồi thì bay về hướng Thủ Thiêm. Bay khoảng 10 phút là chúng tôi thấy biển đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc trong máy bay vậy đó”.
Dường như kế hoạch được trót lọt, không gặp trở ngại nào từ lực lượng phòng không VN. Thế nhưng, thời tiết buổi chiều ngày thứ Bảy định mệnh là một thách thức cho nhóm không tặc bao gồm 2 trẻ em:
“La bàn thì không có, bị hư. Bản đồ không có. Chúng tôi theo cách hồi xưa được học địa lý, ra bờ biển Vũng Tàu thì theo bờ biển đi thôi. Trời xấu quá, tối và mưa nên phải bay lên cao. Bay lên cao khoảng 5,7, 10 phút lại xuống. Xuống lần thứ 4 thì chúng tôi thấy cái mỏm của Malaysia. Qua Malaysia thì sẽ đến Singapore. Chúng tôi học địa lý, chúng tôi biết. Bay khoảng 10 phút thì lên lại. Xuống trở lại thì thấy cảng của Singapore đèn đuốc sáng. Chúng tôi nói đúng Singapore phía trước rồi”.
Bay khoảng 10 phút là chúng tôi thấy biển đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc trong máy bay vậy đó.
- Ông Trương Văn Ẩm
Cất cánh được êm xuôi. Thế hạ cánh thì thế nào:
“Chúng tôi bật liên lạc. Chúng tôi không có tần số nên liên lạc không được. Không có ai trả lời hết thành ra chúng tôi phải đáp bằng tín hiệu gọi là MCC quốc tế. Chúng tôi lắc cánh 3 lần. Bật đèn xanh chớp rồi lắc cánh 3 lần. Khi lắc cánh 3 lần thì chúng tôi nhìn thấy Đài Kiểm soát của sân bay Singapore chớp đèn đỏ. Như vậy đã nhận được tín hiệu của mình nhưng đèn đỏ là không được đáp”.
Và chiếc C130 đáp xuống sân bay Singapore một cách an toàn. Mọi người được yêu cầu chờ trên máy bay, được cung cấp thức ăn và được chở đi vệ sinh. Sau vài giờ đồng hồ, cảnh sát Singapore nói rằng sẽ cho máy bay dẫn đường bay qua Philippines. Đoàn người nhất quyết không đồng ý và khẩn thiết xin được gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore.
Nhóm 13 người được giữ lại Singapore. Ngày Chủ Nhật hôm sau được làm việc với cảnh sát của đảo quốc Sư Tử. 2 ngày kế tiếp được gặp nhân viên Hoa Kỳ:
“Trong ngày khai báo thứ Hai và thứ Ba, có một ông Mỹ là Đại úy. Ông nói thẳng ông là CIA. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt Nam như người Việt Nam vậy. Ông nói chào mừng chúng tôi. Ông nói rằng ‘mấy anh đi làm náo loạn không những Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, mà náo loạn cả nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi nhận các anh nhưng chúng tôi không tin tưởng bởi chúng tôi còn đặt nghi vấn có chuyện sắp xếp của Việt Cộng cho các anh đi. Thành ra tôi đang ở Đức nhưng được lệnh về gấp gặp các anh”.
Kết quả là cả 13 người được quy chế tị nạn chính trị và sẽ được định cư ở Hoa Kỳ. Trả lời câu hỏi “mọi người mong muốn điều gì sau khi nhận được kết quả này”, ông Trương Văn Ẩm ước ao được đặt chân đến Mỹ trước ngày Noel sắp đến. Điều mong ước tưởng chừng không tưởng ấy được đáp ứng. Trong khi mọi người hài lòng với món quà một bộ đồ và đôi giày ba-ta mới chuẩn bị lên đường qua Mỹ đón Noel chỉ trong vòng 1 tuần thì người bộ đội “con tin” lại xin được quay về VN. Dù mọi người khuyên can thế nào thì anh lính cụ Hồ vẫn không thay đổi quyết định:
“Nó khóc lóc nói ba em già 70 tuổi, nếu cho em về nhìn ba em một cái rồi chết cũng được”.
Như hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, 12 người này đã trở thành không tặc để đi tìm sự sống trong cái chết. Nhà nước CHXHCNVN mở phiên tòa xét xử khiếm diện, tuyên án tử hình đối với Thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha, ông Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên từ 20 đến 35 năm tù giam.
Cuộc đời mới ở Hoa Kỳ của 12 người thoắt đó đã 36 năm với nhiều đổi thay. Sau khi đến Mỹ không lâu, 1 người trong nhóm bị bạo bệnh. Tro cốt của người này được gửi về cho gia đình qua đường bưu điện. Thế nhưng tên họ của người đã khuất mang “tội phản quốc” nên bị gửi trả ngược lại Hoa Kỳ. Trong mấy năm qua, 1 thành viên khác trong nhóm trở về VN lại được chào đón như một Việt kiều yêu nước.
Riêng người chủ mưu cuộc không tặc vô tiền khoáng hậu, ông Trương Văn Ẩm vẫn kiên định tư tưởng “Tôi chỉ về khi nào không Cộng sản. Còn Cộng sản thì không bao giờ tôi về”, đồng thời vẫn luôn thăm hỏi tông tích của người bộ đội tên Tạo dù đến nay vẫn chưa có manh mối nào. Trong những phút giây bất chợt nhớ về lần vượt thoát, lẫn trong âm thanh văng vẳng tiếng động cơ và cánh quạt của chiếc C130, còn có tiếng khóc nghẹn ngào đòi trở về VN của anh Tạo. Và ông Ẩm tự hỏi “liệu rằng sau bao vật đổi sao dời, người lính trẻ có còn giữ vững lập trường của mình hay chăng?”.

 

Bốn mươi năm: Từ Huế đến Toronto

Thành Tôn
2015-01-21

huetruoc1975.jpg
Bùng binh ngã giữa, Huế trước 1975.
Photo courtesy of khamphahue.com.vn

40 năm trước, vào những tháng ngày cận kề trước 30 tháng 4/1975, hắn còn là một cậu học sinh ngây thơ trong sáng, đang học lớp 12 Quốc Học Huế, với biết bao nhiêu là mộng ước cao đẹp hướng về tương lai. Một suất học bổng sang Pháp du học đã được Đức bà Từ Cung hứa với ba hắn dành sẵn cho hắn ngay sau kỳ thi tú tài sắp đến...
Thế rồi Ban Mê Thuộc bị Bắc quân tràn ngập; Mỹ không tiếp tục duy trì sự viện trợ cho chính phủ VNCH, trong lúc Việt Cộng với sự ủng hộ tiếp tay của Nga - Tàu ra mặt xé bỏ hiệp định Paris, dốc toàn lực xâm lăng miền Nam VN. Cao nguyên thất thủ; cuối tháng 3/75, Huế từ vị trí tử thủ bất ngờ cũng bị bỏ ngõ, ngùn ngùn người Huế bỏ hết gia tài nhà cửa để trốn chạy vào Nam, bởi họ đã hiểu quá rõ thế nào là sự tàn ác của Việt cộng sau Tết Mậu Thân, với Giải khăn sô cho Huế!
Con đường tị nạn CS của dân Huế xuôi Nam bị chặn lại tại đèo Hải Vân, những chiếc xe chở đầy dân thường bị trúng mìn, bị pháo kích, phục kích, bắn tỉa... Xác xe, xác lính và xác thường dân vô tội rải rác đầy đường.
Gia đình hắn quay ngược lại về Huế rồi chạy xuống biển Thuận An trong hoảng loạn, và may mắn lên được một tàu Hải quân, đến được Đà Nẵng vào 23/3, chỉ 3 ngày trước khi Huế hoàn toàn bị chiếm đóng, cờ Việt cộng chễm chệ trên cột cờ Ngọ Môn.
Đã vào được Đà Nẵng, tưởng vậy là thoát rồi ai dè Đà Nẵng rồi cũng nhanh chóng bị bỏ ngõ như Huế, cũng hoảng loạn ở sân bay, bến tàu...
Sáng 28/3, trong tiếng súng chống cự lẻ tẻ vẫn còn rân vang đâu đó của các chiến sĩ VNCH, thằng bạn rủ hắn leo lên một chiếc tàu sắp rời bến dù rằng chẳng biết tàu sẽ đi đâu, về đâu. Tàu đã đầy kín người, vậy mà người ta vẫn cứ đu dây, ùn ùn khin khít chen lấn nhau để mong được lên tàu, kiểu tựa như đàn kiến chen chúc nhau để được leo lên một chiếc lá giữa dòng đại dương.
Hắn không thể chen lấn đu dây lên được tàu nên đành quay về, để tận mắt chứng kiến cảnh xích xe tăng T54 cày nát con đường dẫn vào tòa Thị chính Đà Nẵng. Đó là ngày 29 tháng 3/1975.
Trước 30/4: Huế và hắn
Sinh ra, lớn lên, đi học và có được những tháng ngày vô tư đẹp nhất đời người cùng Huế nên hắn nghiện Huế nặng. Đi đâu, làm gì, viết gì hắn cũng tơ tưởng về Huế. Dù Huế của hắn cũng chẳng có gì ghê gớm, chỉ toàn là mưa dầm, nắng gắt và đánh nhau và chạy giặc...
Trừ những năm nhỏ dại ăn dầm ở dề trong các Lăng tẩm, Đại nội thì Huế trong hắn vỏn vẹn chỉ còn lại là những ngày học Quốc Học, thi thoảng lang thang theo mấy tà áo dài Đồng Khánh. Rảnh thì đọc sách, tập võ, nghe nhạc... Tối nào đi gác Nhân dân tự vệ thì thọt bi da, cà phê... xong xách carbin vào nằm bên hông chùa Từ Đàm nghe kinh kệ. Tóm lại Huế của hắn, Huế trước 1975 bình thường như của hàng ngàn thằng con trai Huế cùng lứa khác. Vậy mà mê, nghiện Huế thành bệnh. Chính hắn cũng ngạc nhiên mãi về điều này mà cũng không hiểu tại sao.
Sau 30/4/75, Huế nhanh chóng bị bần cùng hóa, đói rách khủng khiếp; chính quyền mới quân quản cai trị hà khắc o ép quá dân không sống nỗi. Hắn cũng không được đi học tiếp, không thi được vào đại học vì chính quyền địa phương không ký lý lịch, gia đình hắn thuộc loại "không có công với cách mạng". 
Hắn trốn chạy CS, rời Huế vào Nam, đi làm rẫy kiếm sống nhờ bà con bên Ngoại ở Long Khánh khi vừa tròn 17 tuổi, khi vừa học xong cấp 3 mà chưa có được mảnh tình vắt vai, chưa biết được ngực con gái Huế là tròn hay méo!
Sau 30/4: Hắn và Saigon
Dựa hơi bên Ngoại, rồi hắn cũng rời bỏ được rẫy ruộng để về sống ở Sài Gòn từ 1978, vừa sống bám chợ Trời Saigon vừa tìm mọi cách để đi học lại. Hắn có trên 20 năm sống ở Saigon. Mua bán chợ trời, học, đi làm, đi học... Qua nhiều đường vòng, nhiều cơ quan, có nhiều bạn bè, có nhiều thứ mà nhiều người cũng gọi đó là thành đạt như công việc, tiền bạc, hanh thông... Đi làm cũng từng có lúc họp hành chung với Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, ăn sáng với Võ Văn Kiệt, ăn tối với Nguyễn Minh Triết...được điều động xe hơi, tiếp khách ăn nhậu hóa đơn thanh toán thoải mái mà không phải bỏ tiền túi....
Tóm lại thì Saigon phóng khoáng rộng lượng và bao dung hơn đã cho hắn quá nhiều may mắn, nhiều hơn những gì mà nhiều người mơ ước, nhưng trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là nhờ những ngày sống và làm việc tại SaiGòn đã giúp hắn hiểu được thế nào là sự bất tài, bất lực, bất nhân và phản động của đảng CSVN-những người luôn đặt quyền lơi của đảng, của bè nhóm đảng viên lên trước, lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc.
Từ Saigon đến Toronto
Thấy được sự phản động, tồi tệ bất nhân của tập đoàn cánh hẩu tư bản đỏ, và cũng vì tương lai con cái, vì muốn được làm Người đúng nghĩa hắn quyết tâm ra đi. Và chỉ mãi cho đến khi sang Toronto, từ 2007 hắn mới thấy được những con Người đúng nghĩa sống như thế nào. Hắn cũng đã được hưởng theo những gì tốt đẹp nhất mà một chính phủ hữu hiệu, do dân bầu ra và vì dân đã có thể đem đến cho người Dân. Đối ngoại chủ quyền quốc gia, quyền lợi, uy tín... Canada được thế giới tôn trọng, đối nội xã hội tự do dân chủ công bằng an bình hạnh phúc, kinh tế phát triễn, mức sống cao, ai cũng có thể có xe hơi nhà lầu.... Giáo dục, y tế miễn phí thật 100%... Một đất nước chỉ có hơn 30 triệu dân nhưng là cường quốc của khối G7, và hắn đã được hưởng quá nhiều từ cường quốc đó, dù chưa hề đóng góp được gì.
Chính những ngày sống ở Toronto đã cho hắn có được sự so sánh, thấy được rõ hơn sự phản động, bất lực bất tài vô đức của những người lãnh đạo cộng sản VN, hiểu được lý do tại sao VN ngày nay càng ngày càng tụt hậu!
Và bây giờ - 40 năm sau
40 năm, dưới sự cai trị của chế độ CS toàn trị, kể từ biến cố 30/4/75 đến nay, so với lịch sử dân tộc mấy ngàn năm thì có thể cũng chưa là gì cả, nhưng đã là quá dài cho một kiếp người; và 30/4 cũng đã là một cột mốc thời gian vô cùng khủng khiếp cho không ít người, trong đó có gia đình hắn; 30/4 đó là cột mốc của tan vỡ và đau khổ!
Với riêng cá nhân hắn, nếu nhìn lại cuộc đời của hắn, so về thời gian thì kể từ khi biết nhận thức, hắn ở Huế ngắn nhất, chỉ có 5 năm; ở Saigon nhiều gấp 5 lần và gấp 2 lần ở Toronto. Nếu so về sự thụ hưởng, những kỷ niệm... sung sướng thì Huế cũng là thấp nhất. Vậy mà vẫn mê Huế nhất, nghịch lý như vậy nên thỉnh thoảng hắn cũng hay tự hỏi thầm vì sao, tại sao hắn lại yêu Huế nhất?
Ban đầu hắn cũng có nghĩ do Huế đẹp Huế thơ, nhưng đi nhiều biết nhiều hắn thấy nhiều nơi hắn từng sống qua cũng đẹp cũng thơ không thua gì Huế. Mãi cho đến gần đây, sau nhiều chiêm nghiệm hắn mới nhận ra được rằng hắn yêu Huế nhất vì khoảng thời gian sống ở Huế của hắn đó mới chính là sống thật, từ khi Việt cộng vào, phải bỏ Huế mà đi xuôi Nam kiếm sống thì cuộc đời hắn đã xô lệch sang một con đường khác và chỉ còn là diễn, diễn để tồn tại ...
Và cái mốc đánh dấu thời gian hắn sống thật và diễn chính là 30 tháng 4 năm 1975. Một sự thật quá đau xót cho cuộc đời khuyết tật của hắn, là chính từ 30 tháng 4/ 1975 trở đi hắn đã không còn được sống thật như một con Người mà chỉ còn là diễn, diễn, diễn... Diễn như một thằng hèn, như con rối thằng hề, như con vật tắc kè đổi màu, như con chó sủa hóng theo ý chủ... vì sợ CS và cũng vì để được tồn tại, để mong được gặm cục xương thừa; nhưng cái sự thực đau đớn đó, cũng đã phải hơn quá nửa đời người rồi, đã 40 năm qua rồi, bây giờ đây thoát ra được rồi, hắn mới nhận ra thật rõ!-


Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Chuột đồng chuột tỉnh

Loài chuột có hai nơi sống chủ yếu: Ở nông thôn, đồng ruộng, ta đặt là chuột Đồng và ở thành thị ta đặt là chuột tỉnh.
Một hôm chuột đồng mời chuột tỉnh vào đồng ruộng, nông thôn chơi. Vào 1 đêm trăng sáng lủ chuột quây quần múa hát dưới trăng thanh, gió mát vui vẻ đến thấm mệt, mồ hôi đổ ướt hết cả long, chúng rủ nhau đi tìm thức ăn: nào là cua, ốc, khoai, chuối chín, lúa non vừa ngọt, vừa thơm. Sau đêm lễ hội chuột tỉnh nhận xét: về đồng ruộng chơi thì không khí trong lành, múa hát dưới trăng rất là vui nhưng thức ăn thì không ngon như ngoài thành phố. Nó mời chuột đồng ra tỉnh chơi 1 chuyến. Sáng sớm 2 chuột dắt nhau đón xe đò ra thành, chún chui vào một ngôi nhà trông bề thế, giàu có. Chuột tỉnh bảo chuột đồng núp vô kẹt không thôi chủ nhà thấy chúng là đập chết tươi đó.
Đêm đến chúng bò ra tìm thức ăn thấy chảo mỡ chủ nhà thắng hồi chiều còn mở nắp cho nguội. Chuột tỉnh bảo: mầy húp thử cái này coi ngon lắm, chuột đồng đưa mỏ húp cái rột, ôi béo ngậy, mình mẩy tê rần, tay chân bủn rủn, lòng dạ ngất ngây, chuột đồng nói quá ngon, từ nhỏ tới lớn ở đồng ruộng tôi chưa bao giờ được ăn thứ này. Bổng có tiếng dép lệp xệp của chủ nhà đi vào, chuột tỉnh vội kéo đuôi chuột đồng núp vào kẹt tủ và bảo: Chủ đó, nó đập 1 cái là vỡ sọ á, mau núp vào. Chủ nhà đậy chảo mỡ xong đi ra trước. hai chuột mò ra tìm mồi tiếp, bổng chuột đồng nhìn thấy miếng thịt nướng thơm phứt liền reo lên: Anh ơi cái gì mà thơm quá từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng thưởng thức mùi thơm quyến rũ đến như vậy. Chuột tỉnh liền nắm đuôi chuột đồng kéo lại và bảo: Bẩy đó, nó sập 1 cái là tan xương nhe. Chuột đồng run bắn người, sau phút định thần, chuột đồng nói: Thôi anh ơi chổ anh đồ ăn thì ngon thiệt nhưng lúc nào cũng nôm nốp lo sợ giữ mạng sống; anh hãy để tôi về với đồng ruộng quê tôi dù thức ăn đạm bạc nhưng có trăng thanh, gió mát và tự do múa hát không phải lo sợ gì hết. Sáng sớm hôm sau chuột đồng đón chuyến xe đò đầu tiên về lại đồng ruộng quê nhà.
                  (Ở trên đời nếu cái gì có lợi ích càng nhiều thì rũi ro càng cao vậy!)
Chuyện vui: DỰNG TÓC GÁY

Lần nào tôi đi hớt tóc thì anh thợ hớt tóc cũng kể cho tôi nghe 3 câu chuyện như: xe lật đèo chết hết xe; thằng nhỏ tắm sông nó lên cầu nhảy xuống dính cây sào cắm ghe xọt từ dưới mong lên đầu như xỏ lụi cá lóc nướng trui; anh nông dân đi qua cầu khỉ, cầu bị gãy anh quơ tay nắm nhầm cây tre bị xướt, võ tre nó cứa bàn tay anh tới xương. Tôi nói: anh kể tôi nghe nãy giờ chuyện nào chuyện nấy nghe mà dựng tóc gáy nè. Anh thợ: dạ ý em vậy, đễ tóc anh dựng lên dễ hớt chớ tóc anh quắn lọn lọn khó hớt lắm. Thế là bữa hớt tóc nhanh gọn, đẹp.
Lần sau tôi tới hớt tóc, anh cũng kể tôi nghe 3 câu chuyện xong anh bảo: ủa tôi kể anh nghe 3 chuyện kinh dị rồi mà sao tóc anh chưa dựng. Tôi cười và nói rằng: 3 chuyện này lần trước anh kể rồi, muốn tóc tôi dựng chắc anh phải kể chuyện mới thì tóc mới dựng cũng nên!...../.