Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015


Truyện ngắn của Trần Khải Thanh Thủy về vụ án Bình Phước.

VẪN CÒN LƯƠNG TÂM
Truyện ngắn : Trần Khải Thanh Thủy 
(Sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN)
Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước gây rung động khắp 63 tỉnh thành cả nước. Nạn nhân là hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Mỹ - đại gia gỗ khét tiếng một vùng, cùng bốn đứa trẻ là con và cháu ông.
Trong phiên tòa lưu động xét xử tại địa phương- nơi xảy ra vụ án rùng rợn này...Trước mặt 4000 người dân tham dự, 400 cán bộ chiến sĩ công an bảo vệ và hàng trăm phóng viên, báo đài đưa tin. Hung thủ Nguyễn Hải Dương- một gương mặt trẻ trung tái nhợt, dưới hai vệt lông mày rúm ró, cánh mũi phập phồng run rẩy, hàng lông mi đẫn đờ, bất động khi nghe hội động xét xử hỏi:
Tại sao sau khi gây án , bị cáo không bỏ trốn mà lại quanh quẩn trong đám tang làm gì ? Định đóng kịch để qua mắt cơ quan an ninh à?
-Dạ , Dương khó nhọc: - Thưa hội đồng xét xử, thực chất bị cáo đã chết từ ngày bị Linh cự tuyệt sau gần 2 năm gắn bó yêu thương rồi. Nên sau khi xuống tay với cả gia đình Linh, bị cáo đã dự trữ sẵn thuốc ngủ tự tử, chỉ chờ ngày đưa tang gia đình họ xong, bị cáo sẽ lo thu xếp giấc ngủ nghìn năm cho mình.
Bên ngoài khu vực xử án rộng 4 héc ta, gió cuồn cuộn thổi, lật tung những lớp lá khô mục vèo vèo bay lên, như chứng kiến cho những lời trần tình oan nghiệt của bị cáo.
Trên bục xử, công tố viên lạnh lùng hỏi :
- Tại sao bị cáo có thể tàn độc đến vậy, ra tay đoạt một lúc 6 mạng người, bị cáo có còn lương tâm không?
- Dạ ...còn ạ, Dương thở hắt ra, mặt cúi gằm
Cả phiên tòa và khối người bàng hoàng ngơ ngác tưởng mình nghe nhầm, trong khi bị cáo gắng gượng giải thích :
- Khi giết xong người cuối cùng là Linh, bị cáo định ra về thì nghe tiếng bé Na khóc bên xác mẹ, bị cáo liền quay lại, bế bé Na lên vỗ vỗ ru dỗ cho bé ngủ lại, mới tiến về phía tủ, lấy quần áo sạch thay, rồi mới lặng lẽ bỏ đi. 
Giữa biển người đông đặc, gần 5000 người, cả trên ban công, sân thượng của những ngôi nhà nhỏ hai ba tầng xung quanh khu vực xử án hay trên những thân cây cách đó vài trăm thước, đủ các cung bậc tình cảm nổi lên, người khóc lặng, kẻ bật cười ha hả, người chửi rủa phẫn nộ: 
-Thằng chó, nói thế mà nghe được à? Giết cả nhà nó rồi, còn lại một mình nó, 18 tháng tuổi thì ai nuôi?
Chuyển sang câu hỏi tiếp theo, tiếng luật sư sang sảng:
- Trong biên bản điều tra, bị cáo khẳng định động cơ gây án là giết người chứ không cướp của, vậy tại sao lại bắt mẹ của Ánh Linh là bà Nga đi mở két sắt lấy tiền và khi không lấy được đã xuống tay hạ sát ?
-Dạ... Bị cáo lấy lại vẻ tự chủ, đôi mắt đẹp long lanh dưới hai vệt lông mày đen nhánh, nhướn cao người trả lời: 
- Bị cáo chỉ giết người để rửa hận, chứ không có ý định cướp của. Khi xuống phòng ngủ của ông bà Mỹ, bị cáo còn nhớ ông Mỹ bảo: - Các người muốn lấy gì thì lấy đi...
Trong thời gian làm việc, ông ấy đã từng giao cho bị cáo lái chiếc xe 5 tỷ để đưa đón Ánh Linh và Quốc Anh đi học. Bị cáo cũng biết rõ bà Nga đã rút 1,7 tỷ ở ngân hàng về để chuẩn bị trả lương cho 300 công nhân nhưng bị cáo không định lấy tiền hoặc lấy xe, mà chỉ cần có đủ số tiền để trả công cho người cộng sự với mình, giúp đỡ họ qua khỏi lúc túng bấn khó khăn ...đằng nào bị cáo cũng theo Linh rồi, bị cáo cướp của để làm gì ? 
- Nghĩa là bị cáo không ngờ bị bắt nhanh thế và cố tình coi đó là những tình tiết giảm nhẹ tội trạng?
Nét mặt nhẹ nhàng, cặp má mịn màng và lớp lông tơ hung hung đỏ trên vành môi tươi hồng dưới tiết đông, khẽ động đậy :
- Dạ bị cáo chỉ trả lời câu hỏi của tòa, vì còn lương tâm nên ngay sáng hôm sau, khi nghe bà Phương giúp việc báo tin cả nhà Ánh Linh đã chết, bị cáo lập tức quay lại hiện trường giúp mọi người dọn dẹp nhà cửa, lau chùi thi thể họ rồi thực sự xám hối trước linh cữu của cả nhà, đặc biệt là Linh...
Cả khối người lại rùng rùng chuyển động , những tiếng nấc nghẹn, tiếng la thét kêu gào đan xen, khiến 400 cảnh sát cơ động phải vào cuộc, cương quyết không để “xổng” những đối tượng “hai ngón” đang mải miết săn mồi từ đám người tò mò, hiếu kỳ.
Không để hội đồng xét xử đặt câu hỏi, bị cáo tiếp tục trả lời :
- Ngay lúc này cũng vậy, khi người nhà đem di ảnh của họ đến, bị cáo cũng không cầm được nước mắt 
Đám đông gào lên, những tiếng hô rõ nhất từ phía họ hàng nạn nhân :
- Thằng đồ tể, tên giết người, thằng bố láo, đồ đạo đức giả ...
Đợi cho mọi sự ồn ào lắng xuống, bồi thẩm đoàn hỏi tiếp:
- Tại sao bị cáo lại giết Vỹ, người mở cổng cho bị cáo vào nhà và không phải thành viên trong gia đình Ánh Linh?
Không một chút lúng túng , bị cáo Nguyễn Hải Dương lại ngước đôi mắt đẹp như thiên thần trả lời :
- Dạ để bịt đầu mối, nếu không giết Vỹ, bị cáo sẽ không có cơ hội động thủ, và cũng không thể thoát ra ngoài bằng lối cửa chính duy nhất ấy.
Một phút phân vân trên mặt bồi thẩm đoàn...Bao nhiêu năm trong nghề, từng chứng kiến biết bao nhiêu tội ác trong chế độ xã hội chủ nghĩa ,lương tâm ông đã bị cùn nhụt, thui chột đi rất nhiều trước cái xấu cái ác hoành hành, mà ông biết rất rõ có sự góp phần không nhỏ của ông và bao cộng sự, song trước câu trả lời ráo hoảnh của sát thủ 24 tuổi với khuôn mặt rạng ngời tinh tú. Cách đây không lâu còn chưa vướng bụi trần, còn chưa hề hôn ám những ý tưởng xấu xa, còn tràn trề tình yêu và lòng khát vọng vươn lên trong cuộc đời...nay đã thành kẻ tội phạm , thủ ác, đối mặt với án tử hình, khiến ông không khỏi bâng khuâng, đau xót. Một gương mặt khôi ngô tuấn tú mà ông vẫn bắt gặp đâu đó hàng ngày trên đường phố, lúc tan tầm, thậm chí ngay trong nhà ông, giữa hàng chục hàng trăm những đứa bạn của con ông. Một gương mặt không dục vọng, không ác đôc, thậm chí trong trắng như thiên thần...vậy mà.
Trong công đừơng xã hội chủ nghĩa , nơi không có chỗ cho lòng trắc ẩn xót thương, nơi nén bạc đâm toạc tờ giấy, chân lý nở ra từ còng số 8 lạnh lùng, ông cố xua những ý những như những đám mây lướt nhanh qua đầu hỏi tiếp;
- Thế 3 người còn lại , Ông Mỹ và con trai cùng cháu gái của ông ấy, họ có tội tình gì, sao không cho họ một con đường sống?
- Dạ, chính vì được ông chủ thương quý, tin cậy, giao xe, giao việc cho làm rồi được gặp gỡ tiếp xúc với Linh, được ăn ở trong nhà mà họ biết mặt bị cáo, nên bị cáo giết luôn để khỏi liên lụy về sau.
Khi đó bị cáo có nghĩ tới thảm họa đau lòng này? Làm ảnh hưởng sâu sắc tới an ninh của cả vùng ?
- Dạ bị cáo bình thản lắc nhẹ mái tóc bồng bềnh: -Lúc đó bị cáo chẳng nghĩ gì hết, chỉ muốn “san bằng tỷ số”. Tại sao bị cáo phải tuyệt vọng, trong khi cả gia đình họ cứ hơn hớn vui vẻ trên nỗi đau ngút ngàn của bị cáo. Đang là sinh viên đại học tại Sài Gòn , vì gia cảnh nghèo nàn, thương mẹ mà bị cáo lén lút bỏ học giữa chừng về lại Bình Dương vào làm công nhân trong xưởng gỗ của ông Mỹ. Thấy bị cáo khỏe mạnh nhanh nhẹn, có trình độ, ông Mỹ đã giao cho bị cáo tiếp quản cả khu vực xưởng gỗ, sắp xếp công việc cho 300 anh chị em - những người có bề dày kinh nghiệm hơn hẳn bị cáo. Chưa đủ, trong thời gian được ông chủ tin dùng, giao xe để đưa đón hai con ông đi học, bị cáo đã yêu Ánh Linh thực lòng. Cả Linh cũng vậy. Hai đứa đã có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp, những lần đi tắm biển, du lịch cùng cả nhà, những chuyến về quê thăm mẹ v.v bị cáo tưởng đã “ lên đời” rồi. Đùng một cái, bà Nga ngăn cản, không cho Ánh Linh tiếp cận với bị cáo, với lý do phải gả Linh cho người giàu có, để lấy chỗ đi lại, làm ăn. Còn ông chủ lại cho rằng Linh đã lén lút lấy tiền của nhà cho bị cáo nên cũng có ý xua đuổi...Kể từ 5-2014, ngay khi Linh nói lời cự tuyệt, bị cáo đã hết sức năn nỉ, mong Linh nghĩ lại, rồi tìm mọi cách tiếp cận cô ấy mà không được, rồi bị cáo biết Linh có người yêu mới...Không giết chết được những kỷ niệm ấn tượng trong lòng mình, bị cáo đành phải giết Linh cùng những người đã chứng kiến nỗi đau cũng như đã từng sỉ nhục, coi thường bị cáo, trừ bé Na còn qúa nhỏ không biết gì, vẫn quấn quýt bị cáo...
Phiên tòa khép lại, cả rừng người rùng rùng kéo nhau ra về. Ba bị cáo – ba kẻ tội phạm – ba thiên thần trẻ tuổi lần lượt bị xích và tống lên xe tù. Hội đồng xét xử cũng tản mát ra về, nét mặt ai cũng thanh thản như vừa làm xong nghĩa vụ của một công dân, loại trừ một kẻ xấu xa, nguy hiểm, giết người hàng loạt ra khỏi xã hội . Riêng bồi thẩm đoàn, người có con trai bằng tuổi bị cáo, hướng cái nhìn về phía xe tù...Nơi ấy, vài tháng hoặc vài năm sau sẽ dựng lên vài cái cọc , kèm những hố đất mới đào để giành cho những kẻ thảm sát tàn độc...Chỉ một đêm cướp đi 6 mạng người trong lúc cả nhà đang say ngủ. Một cách hành xử trong thời đại “Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” mà không đâu trên thế giới có được. Lạnh lùng, tàn ác đến rợn người. Bình tĩnh lên mạng tìm mua vũ khí, bình tĩnh cho tất cả các loại súng, dao, băng keo, dây trói v.v vào túi du lịch xách đi khắp phố phường tìm cơ hội gây án ngày này sang ngày khác mà từ mẹ đẻ, bạn bè cùng nhậu, dì ruột không một ai mảy may nghi ngờ, dù người dì đã xách hộ và đi cùng một đoạn đường dài, thậm chí cho sát thủ để ba lô đựng vũ khí ngay trong nhà mình.
Thở dài như thường lệ, vị bồi thẩm tiếp tục hướng suy nghĩ của mình vào từng tình tiết của vụ thảm án.
...Vào được trong nhà rồi (do bị cáo mua chuộc cậu em họ Ánh Linh với mức 2 triệu VND và một con gà trọi) cả hai lao vào từng phòng đánh thức từng người dạy. Nếu ai còn luyến tiếc giấc ngủ say liền bị đổ cả chai nước suối vào mặt cho tỉnh táo mới ra tay hành động. Đầu tiên là trói hai tay lại, bịt băng keo vào miệng, tâm tình, luận tội rồi lạnh lùng dùng dao cứa cổ và hất ngược lên đứt tung động mạch chủ cho máu trào ra xối xả . Một động tác vô cùng chuyên nghiệp cho dù chưa có tiền án tiền sự gì, chỉ biết có ăn học và làm công việc giấy tờ sổ sách ... 
Chiều khép lại, trời mờ tối rất nhanh, bồi thẩm đoàn vẫn không thoát khỏi những suy nghĩ mông lung về vụ án, dù tội đã luận, án đã tuyên . Hai tử hình, một 16 năm ( tội phạm thứ 3 sau đêm đầu không vào được nhà vì Vỹ ngủ quên không ra mở cổng, đã tìm cách rút lui)... chỉ còn lại sát thủ Nguyễn Hải Dương và cộng sự ...Vậy mà vụ án diễn ra vẫn êm ru, trót lọt . Không một trở ngại, không một vướng bận, cho dù, Ánh Linh trong khi hai tay bị trói vẫn lần tìm được điện thoại để gọi cho cậu ruột. Nhưng thay vì một lời kêu cứu khẩn cấp, nhanh gọn, dứt khoát lại hỏi: “cậu Hưng à”? rồi bị khống chế, khiến người cậu nghi ngờ gọi lại mà không người bắt máy, gọi cho chị ruột để kiểm chứng thông tin lại nghe chị lạnh lùng thông báo: “Chắc máy bị kênh, không sao đâu, ngủ đi”... Dù hai nhà chỉ cách chưa đầy 200 mét.
Còn nữa, thay vì tìm cách đánh lạc hướng hai thằng trẻ ranh nứt mắt “trói gà không chặt” để chờ người lái xe tải đến giải cứu, người vợ lại buột miệng bảo: “ Hai cậu muốn lấy gì thì lấy đi, kẻo 4 giờ sáng chú Thịnh đến xưởng để chở gỗ như mọi lần” lập tức bị khống chế, yêu cầu bà gọi điện thoại nói rõ: “Đúng 7 giờ mới được đến”...Sau đó bị giết trước khi trời sáng.
... Một đời làm quan tòa xử án, trằn mình vào bao nhiêu biến động của thời cuộc, đặc biệt sau “giải phóng”, xét xử bao nhiêu vụ án, dù theo chỉ định của lãnh đạo ngành, lãnh đạo đảng, dù luật rừng hoặc luật pháp...ông chưa thấy vụ giết người nào lại “ngọt lịm” đến thế. Cả nhà 7 con người, sống trong khu biệt thự kín cổng cao tường, ông chủ 47 tuổi còn là võ sư nổi tiếng một thời mà không qua mặt được hai thằng thư sinh, trẻ người non dạ. Cả tiếng khóc của đứa con út 18 tháng tuổi cũng không gây ra mảy may nghi ngờ nào, lại còn được kẻ sát nhân bồng lên ru nựng cho đến khi ngủ lại ngon lành...Thật là chuyện ma thuật, tà ám...
Bất ngờ vập phải một khúc cây ven lề, chiếc xe của ông khẽ nảy chồm trên mặt đường , đoạn cây gẫy gây một tiếng “khấc” vỡ vụn khiến ông chợt tỉnh, nghĩ đến cả kho gỗ lớn hàng nghìn, vạn cây của nhà đại gia gỗ... một ý nghĩ vụt lóe lên trong bộ óc tưởng đã biến dạng, cùn, mòn vì bị thiến hết nhân cách, bóp méo nghiệp vụ của ông: “Lẽ nào...cả gia đình ông ta đến ngày tận số? Trong số hàng chục nghìn cây xanh bị chặt hạ tức tưởi từ các cánh rừng đầu nguồn hoặc vườn, đồi về bán lại để ông chế tác, buôn bán hàng bao nhiêu năm qua, liệu có các oan hồn trú ngụ? Biết đâu oan hồn nổi giận, vì vô cớ bị mất chỗ ở, nên đã thúc giục, súi bẩy kẻ sát nhân học trò này xuống tay rửa hận qua một vụ án tình bi lụy? Cũng giống như vụ án của Nguyễn Duy Nghĩa, sinh viên trường Đại học Thương Mại, người Hải Phòng vậy? Sao hung thủ không ra tay giết hại người bạn gái nào mà lại chọn Phương Linh- người yêu cũ, con một vị đại tá công an, có 30 năm tuổi nghề? Để lật án, lập công, thăng chức, lên lương, thưởng, đã bao nhiêu lần ông ta giết oan kẻ vô tội... khiến các vong hồn báo oán bắt con ông phải nhận cái chết thảm. Bị chặt đầu và chặt hết vân tay, chỉ còn cái xác vô hồn trong góc sân thượng của ngôi nhà 13 tầng. Đến khi thối rữa, xác thây phân hủy bốc mùi, mới được người nhà nhận diện qua bộ quần áo mặc trên người, còn cái đầu thì bị cho vào túi ni lông, nhét vào bao tải đưa lên xe khách, quẳng vào một đoạn sông vắng chảy qua địa phận Quảng Ninh...
Mà ...ồ, ông chợt nghĩ khi chiếc xe rẽ vào con đường quen thuộc của dãy nhà sang trọng trước mặt : “Tòa án nhân dân của đảng cộng sản vô thần sao có thể lập luận xét xử theo hướng mê tín dị đoan thế được, giết người phải đền tội chứ...rõ vớ vẩn(!). Ông là đảng viên, không theo lương tâm cộng sản mà lại định rẽ ngoặt tư duy từ vô thần vào mê tín ư ? chậc chậc...không được! Không được...
Tiếng trẻ gọi nheo nhéo ngay trong khuôn cửa sắt cứng quèo, kéo ông trở lại thực tại :
- A! Ông về, ông về! Ba ơi, nội đã về.
Sacramento December 2015
TKTT 18-12-2015


Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015


CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ tặng các bạn cùng học trường Kiểu Mẫu ngày xưa.
Câu chuyện tôi trốn học đi coi hát.

Năm 1973 tôi học lớp 9 Trường TH Kiểu mẫu Cần Thơ, ở Khu II Trường ĐH Cần Thơ.
Một buổi sáng đạp xe đi học tôi gặp thầy Huy lên tiếng thưa thầy, thầy đáp lại ờ, đi học hả con, rất thân thiện. Vào trường các bạn nói phim Lý Tiểu Long "Mãnh Long Quá Giang" mới đổi (Tôi rất mê coi phim). Cầm lòng không đậu tôi đồng ý trốn học đi coi phim xuất 9g với hai đứa bạn.
Sáng mai lại có giờ Anh văn của thầy Huy, thầy đến bên tôi nói vừa đủ nghe:"Chút tới giờ ra chơi lên văn phòng gặp thầy chút nghe con"; tôi nghĩ: Chết rồi sống gió sắp xảy đến với mình rồi đây (mà lạ trốn học 3 thằng sao thầy chỉ kêu mình tôi).
Lên văn phòng gặp thầy; thầy rất nóng giận và lớn tiếng hỏi:"Hôm qua gặp tôi ngoài đường chào rồi trốn học đi đâu?". Tôi bình tĩnh trả lời: Thưa thầy hôm qua con trốn học đi coi hát. Tôi không ngờ câu trả lời của tôi làm thầy nổi nóng, thầy nói tôi mất dạy, tát tôi một bạt tay đổ lửa, ông cầm cục thủy tinh bán cầu đập mạnh trên bàn và quát:"Trời ơi tôi có đối xử với mấy người tệ đâu mà mấy người đối xử hổn hào với tôi như vậy!"
Tôi bình thĩnh thưa thầy: ba, má con dạy không được phép nói dóc với người lớn; câu trả lời của con không phải là hổn với thầy mà là con nói thật lòng. Thầy hợi dịu giọng nhưng còn rất nóng và phán một câu làm tôi xanh mặt:"thôi được rồi, để tôi mời ba con vô đây coi nếu con muốn coi hát thì nghỉ học, thầy trả con về với ba coi hát cho đã; tôi rất sợ lời vừa phán ra của thầy nên quỳ xuống: lạy thầy con xin hứa không bao giờ trốn học nữa; tôi kiểm soát rất kỹ thái độ của thầy; thầy ngó hơi nghiên nhưng tôi thấy thầy cười, miệng thầy méo thêm hơn (lúc bình thường đã méo), Cơn lo lắng trong tôi chạy xuống cái ót nhưng xui xẽo lại đến liền tức khắc; lúc đó chị bạn Phan Thanh Nguyên bước vào tìm thầy, thấy tôi đang quỳ chị ấy lè lưỡi, khép cửa đi tuốt. Tôi rất lo trong bụng: Nếu chị bạn Nguyên mà kể chuyện này với các bạn thì có nước tôi độn thổ. Cám ơn chị Nguyên đã rất tốt với tôi, không kể cho ai biết chuyện này cả, tôi mừng thầm trong bụng nhưng vẫn còn thiếu bạn Nguyên một lời cám ơn.
Thầy bảo tôi rằng:"Học hành như con á, nữa lớn lên lấy cái thùng giấy đựng sữa ông thọ, bỏ vô đó mấy cái chìa khóa, cái mõ lết với cái ống bơm ra lộ Hòa Bình vá xe (thầy quát rất lớn)!!!"
Kể từ đó tôi không bao giờ trốn học bất kỳ giờ học của thầy,cô nào nữa để đi coi hát.
Sau này tôi gặp lại thầy Huy và mời thầy ăn sáng rất là gần gũi, thân tình thầy trò. Tôi nhắc lại chuyện đó và thầy trò cùng cười. Thầy bảo: lúc đó thầy khó các con có ghét thầy không? Tôi trả lời nghiêm túc: không ghét trái lại tụi con rất kính trọng thầy, con là bạn của Khương (con thầy) nên xem thầy như cha mình, thầy nghiêm khắc là muốn con nên người sau này.
Thầy Huy đã mất lâu rồi, thắp nén hương tưởng nhớ thầy, nhắc lại chuyện này để càng thương càng kính trọng thầy hơn./.

Phụ chú:
Bây giờ mà thầy làm như vậy là học trò nó kêu ba, má nó vô quậy thầy lên bờ, xuống ruộng đó! Bởi vậy con hư là tại cha mẹ chớ không phải tại nhà trường đâu nhé!!!

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015


Cái học ngày nay rất là nguy hiểm. Ngày xưa tôi học lớp 2, lớp 3 là viết một bài văn ngắn khá trôi trãi. Thế mà do đâu? Có lẽ do xã hội tạo ra những lớp trẻ không màn đến môn tiếng việt và nói dóc một cách ngây thơ, ngộ nghĩnh. Mời các bạn xem bài viết sau đây:

Bài văn bất hủ của học trò (phần 95)

Đề bài: Tả cô giáo em.
Một học sinh lớp 3 viết như sau:
Cô giáo em hiền nhưng hơi mập, tóc cô ngắn được buộc gọn ra đằng sau, khi đi tóc cô ve vẩy ngo ngoe như cái đuôi con lợn con nhà em khi em ra cho nó ăn cám. Cô có đôi chân vòng kiềng, có lần em nghe mẹ em bảo với mẹ thằng Hà, chân như vậy sau này cô sẽ dễ đẻ hơn.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 94)

Đề bài: Tả bà ngoại của em.
Một học sinh viết như sau:
Bà ngoại của em năm nay 40 tuổi. Hình dáng bà bình thường, chiều rộng ba mươi mét, chiều cao một mét sáu. Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cá hố. Mỗi khi bà cười hàm răng của bà không còn trắng và chắc như trước nữa mà đã gãy bốn cái răng. Khuôn mặt của bà không còn đẹp gái như trước nữa mà rất nhăn nhó. Khi cười trông bà chẳng khác gì đang nổi giận. Khuôn mặt bà bầu bĩnh, đôi mắt như mắt bồ câu trắng, dáng đi của bà rất khoan và cái miệng như trái tim rất mãnh liệt.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 93)

Đề bài: Em hãy bình luận về đề tài tình yêu trong thơ của Nguyễn Bính.
Một học sinh viết như sau:
“Nguyễn Bính tài lắm khi xuất khẩu thành thơ 'Gió mưa là bệnh của trời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng'. Quả chí lý lắm, vì gió mưa thì chắc chắn ta sẽ bệnh, nhất là mưa trái mùa có gió độc như ông bà ta bảo trái gió trở trời. Còn yêu nhau thì có nhiều thứ bệnh hơn lắm hay sao? Không phải đâu, cũng bệnh như những người không yêu nhưng nó khác là bệnh tương tư. Bệnh này không có vi rút nhưng nguy hiểm hơn cả cúm gia cầm vì ai cũng mắc phải, ai cũng yêu…”.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 92)

Đề bài: Tả về bố của em.
Một học sinh viết như sau:
"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố chả dọn rồi xuống chat Zalo với học sinh. Em bé thế còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ôsin nữa. Em rất yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm"

Bài văn bất hủ của học trò (phần 91)

Chữ mẹ ngửa trái như lúa non gặp bão. Môn toán mẹ dạy là tìm nửa chu vi tuổi mẹ, tìm nửa chu vi vận tốc. Tóm lại dạng toán gì cũng là nửa chu vi.
Đề bài: Tả về mẹ của em.
Bài làm của một học sinh như sau:
Mẹ của em tên Hiền. Mẹ rất khéo tay. Luống rau mẹ cuốc chẳng cần gieo hạt gì sau dăm hôm đã mọc đầy những ngọn rau dền cơm. Rau dền cơm mẹ nấu có kèm vài ngọn rau sam ngon lắm. Ngoài canh rau, mẹ còn biết luộc trứng, luộc cả thịt. Món luộc của mẹ chẳng bao giờ bị mặn cả. Ngon lắm.
Mẹ chẳng bao giờ giúp chúng em học bài. Mẹ bảo: "Dạy học là việc của bố mày". Nhưng hôm nào bố cũng sáng đi tối mịt mới về, nhiều hôm say lả miệng thì kêu la. Những lần như vậy, mẹ không xem phim "Tấm lòng cha mẹ" nữa. Bất đắc dĩ mẹ phải dạy các con ôn bài. Chữ mẹ ngửa trái như lúa non gặp bão. Môn toán mẹ dạy là tìm nửa chu vi tuổi mẹ, tìm nửa chu vi vận tốc. Tóm lại dạng toán gì cũng là nửa chu vi. Mẹ tuyệt thật, nhưng cô giáo không cho là đúng.
Mẹ là người rất tiết kiệm. Mẹ nhặt lại các túi bóng kể cả túi bóng đựng thuốc trừ cỏ giặt sạch đi để đựng đậu bán cho các bác trong xóm. Ai cũng khen đậu của mẹ ngon. Chắc người ta chưa thấy mẹ ngâm đậu trong cái thùng ngâm cám lợn chứ nếu biết thì chẳng dám ăn.
Những ngón tay mẹ xù xì dấu ấn của những năm tháng vật lộn kiếm ăn. Mẹ đưa tay lên bới mái đầu đã bạc lốm đốm. Mẹ than thở với các dì: "Tại ông ngoại không cho tao đi học. Nếu cho đi học giờ thì tao đâu khổ thế này". 

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 90)

Xóm em có rất nhiều bà lão nhưng em thích nhất là bà Khoái ở cạnh nhà em. Đầu bà to bằng trái dừa, mặt bà nhìn như mặt tượng.
Đề: Tả người cao tuổi
Xóm em có rất nhiều bà lão, nhưng em thích nhất là bà Khoái ở cạnh nhà em. Đầu bà to bằng trái dừa, mặt bà nhìn như mặt tượng, hai cái tai nhọn và vầng trán lồi lên sự thông minh. Mỗi khi em qua nhà bà chơi bà thường nói: “Mày ở chơi thêm tý nữa hãy về”.
Đề: Tả người ông của em
Nhà em có nuôi một ông nội. Thứ mà ông nội quý nhất chính là cái mũ phớt. Cái mũ ấy mỗi lần ông đội giống y như cái mâm lật ngược.
Đề: Tả con gà
Nhà em có một con gà trụi lông, to bằng cái ruột phích. Ngày ngày nó cũng nhảy vào chuồng lợn để ăn cám lợn.

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 89)

Tả cây chuối: Nhà em có trồng một cây chuối. Đến mùa chuối ra quả. Cả buồng chuối dài 3 cm. 
Đề: Một học sinh tả về cây cầu mới xây
Cây cầu to, dài đến mức em đứng đầu cầu bên này, bố em đứng ở đầu cầu bên kia mà trông bố em chỉ nhỏ như một con chó.
Đề: Hãy tả một loại cây mà nhà em trồng.
Nhà em có trồng một cây chuối. Đến mùa chuối ra quả. Cả buồng chuối dài 3 cm. Lúc quả chín mẹ em chia cho hàng xóm, ăn mấy ngày không hết.
Đề: Em hãy kể lại câu chuyện “Thánh Gióng”
Ngày xửa ngày xưa, đất nước ta sinh ra được một cậu bé Thánh Gióng trông rất là quái nhân vì đã 3 tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Đột nhiên một hôm giặc tới, Thánh Gióng nhảy tót lên mình ngựa, sau khi đã ăn một bữa cơm khủng khiếp với hàng thúng cà muối mặn mà vẫn không khát nước. Thánh Gióng đánh giặc xong không biết đường về nhà vì chưa ra khỏi nhà lần nào. Thánh Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành phải bay lên trời.

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 88)

Em rất yêu quý chú gà trống nhà em vì hàng ngày chú đều đẻ trứng cho mẹ em đi chợ bán.
Đề: Tả con đường đến trường em.
Con đường từ nhà đến trường em dài 2 mét. Ra khỏi ngõ, em rẽ phải đi qua quán bà Xuân, rồi rẽ trái đến quán ông Vịnh là rẽ trái tiếp, đi thẳng là tới.
Đề: Tả chú gà trống.
Nhà em có nuôi một chú gà trống. Chú khoác trên mình bộ váy sặc sỡ. Sáng nào chú cũng dậy sớm chạy ra sân và kêu cục ta cục tác để dụ đám gà mái. Em rất yêu quý chú vì hàng ngày chú đều đẻ trứng cho mẹ em đi chợ bán.

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 87)

Thầy ra đề bài tập làm văn: “Mỗi con người đều có một năng lực đặc biệt, em có thể tìm năng lực đặc biệt đó của bản thân không? Hãy lấy ví dụ”.
Bài làm của Tèo như sau: "Em có khả năng tiên đoán sự việc chính xác 100%. Ví dụ như em biết kỳ thi này em sẽ trượt".
Lời bình: Nếu đánh trượt cu cậu hóa ra cu cậu đoán đúng, mà đoán đúng thì phải cho đậu, nhưng cho đậu thì hóa ra đoán sai. Thật khó cho thầy giáo.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 87)

Đề bài: Em hãy tả đêm giao thừa.
Một học sinh lớp 3 viết như sau: "Em bước ra sân để chuẩn bị thắp hương giao thừa. Ánh trăng tròn vằng vặc soi rõ khu tập thể, làm những chiếc lá sáng lên loang loáng".
Lời bình của giáo viên: "Em bốc phét quá đà. Theo lịch mặt trăng thì đêm giao thừa không có trăng".

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 86)

Nhà em nuôi một con lợn rất béo, bụng nó to như bụng ông bán phở đầu ngõ.
Đề: Tả một người em yêu quý nhất
Bố em là người em yêu quý nhất. Bố em phải làm việc rất vất vả. Mỗi tháng bố em phải nộp cho mẹ em tiền lương để mẹ em nấu cơm cho mà ăn.
Đề: tả con vật mà em thích nhất
- Nhà em có nuôi một con chó. Nó đen như cục than. Bụng nó bự như cục thịt heo bán ở ngoài chợ. Mắt nó như hai viên hột xoàn. Bốn chân nó như cái cột đình.
- Mẹ em đang nuôi một con lợn rất béo, bụng nó to như bụng ông bán phở đầu ngõ.
- Nhà em có nuôi một con lợn con. Mình nó to như cái cánh cửa, tai như cái cánh quạt điện. Em rất yêu quý con lợn nhà em. Rồi một hôm mấy bác hàng giáp đến, con lợn không còn nữa, nó đi để lại cho em một đĩa lòng.
- Gia đình em có một con gà, hai mắt nó tròn như hai nắp chai. Mào nó đỏ như màu đỏ. Mỗi buổi sáng nó thường hay gáy Ò... Ó ó ó... O... Ò ò ò ò... đánh thức em nhưng nhà em cứ đóng kín cửa cho nên không nghe được tiếng gà kêu, vì thế em luôn đi học trễ.
- Nhà em có nuôi một con gà trống trông rất hùng dũng. Đầu nó tròn như trái ổi, cái mỏ nhọn như ngòi bút mực và cái mào đỏ nhấp nhô như sóng biển. Em rất yêu quý chú gà trống vì hàng ngày nó đẻ trứng cho ba mẹ và em ăn để tăng cường sức khỏe.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 84)

Đề bài: Hãy miêu tả giáo viên cũ mà em ấn tượng nhất.
Bài làm của một học sinh lớp 3 tại TP HCM có đoạn viết: "Cô giáo lớp một của em rất đáng yêu. Người cô cao khoảng một mét, mắt đen như lọ nồi, tóc cô dài ngang vú. Cô em hiền như cô Tấm và rất thương lớp em. Chỉ có một lần cô tát bạn Tú một bạt tai chảy cả máu mồm. Lý do là vì trong khi các thầy cô khác đến dự giờ, bạn ấy giơ tay mách cô rằng: 'Thưa cô, bạn Dũng bị rách quần lòi cả chim'...".

Bài văn bất hủ của học trò (phần 83)

Đề văn: "Em hãy kể một chuyện xảy ra trong gia đình".
Một học sinh tiểu học viết bài văn "super ngắn" như sau:

- Mở bài: Hôm nay em đi học về thì thấy ông em đang chẻ tăm.
- Thân bài: Ông đang chẻ tăm thì bị đứt tay. Em vội tháo khăn quàng ra băng bó vết thương cho ông.
- Kết luận: Không nên cho người già chơi dao vì rất nguy hiểm.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 82)

Đề: Tả cảnh trường em trước giờ học.
Bài làm của một học sinh lớp 4: "Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú".

Bài văn bất hủ của học trò (phần 81)

Đề: Hãy tả cô giáo chủ nhiệm lớp em.
Bài làm của một học sinh lớp 3 có đoạn: "Cô giáo em có hai cái mắt hai cái mũi xinh xinh. Cô có hai cái tai yêu yêu. Môi cô hồng hồng mỗi khi cười hàm răng như mới đánh. Mắt cô lấp lánh không bao giờ có gỉ. Cô đến lớp không bao giờ ngáp ngủ. Mỗi khi cô vào lớp cả lớp đứng nghiêm chào cô. Đấy là cô Hà chủ nhiệm lớp em…".

Những bài văn bất hủ của học trò (phần 79)

Đề bài kiểm tra môn văn: Phân tích và bình luận bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Sau đây là một đoạn bình luận:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua".

Người đọc sẽ cảm thấy thực sự bức bối. Xin thưa, câu thơ đề cập tới những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Đầu tiên là sự đối lập thể hiện giữa hoa đào với mực tàu, một giá trị truyền thống dân tộc đang bị hàng hóa nước ngoài lấn át. Ông đồ già người Việt, viết chữ Nho và bán mực Trung Quốc, tôi không nghĩ ra một ví dụ nào hợp lý hơn về tình hình thị trường trong nước hiện nay. Có lẽ không phải chỉ bây giờ dư luận mới báo động về tình trạng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đang bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Hình ảnh ông đồ già ngồi bán hàng ngoại nhập ngay vỉa hè vị trí đẹp “Bên phố đông người qua” khiến người đọc không khỏi chạnh lòng. Vỉa hè ư, vỉa hè là để cho người đi bộ, lấn chiếm lòng lề đường để bán hàng ngoại, ông đồ có lẽ không ý thức được thế nào là bảo hộ mậu dịch. Ông mắc thêm một khuyết điểm nữa là vi phạm nghị định 36/CP. Cho nên trong câu thơ, Vũ Đình Liên sử dụng chữ "lại" là rất chính xác, “lại” mang một hàm ý ca thán, biểu lộ sự thất vọng và bất lực nhiều hơn.

Bài văn bất hủ của học trò (phần 78)

Đề thi: Em hãy giải thích câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".
Bài làm của một học sinh lớp 4 tại quận Tân Bình, TP HCM, có đoạn viết: "Câu tục ngữ cho thấy sự thông minh của loài ngựa vốn được mệnh danh là chúa tể rừng xanh. Chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hóa. Nhưng bản thân em thì nghĩ là trong cỏ có độc. Nếu em là những con ngựa đó em cũng nhất định không chịu ăn dù bị ông chủ ép buộc đến thế nào đi nữa".



Một bài thơ của vĩ nhân đã nói lên kiến thức uyên thâm của ông ấy đến mức nào.

HÒN ĐÁ
Hòn đá to,
Hòn đá nặng.
Chỉ một người
Nhấc không đặng.

Hòn đá to,
Hòn đá nặng.
Có nhiều người 
Nhấc lên đặng.


Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015


Ngày xưa tôi nghĩ người tu hành là người Đạo Cao Đức Trọng. Chúng ta rất kính trọng người tu dù là tôn giáo nào. Ngày nay một số người tu đã làm ộ quế thanh danh cửa thiền môn, mà điển hình là Đạo Phật ở Việt Nam ngày nay. Bài viết sau đây sẽ phân tích rõ điều đó.

Phật giáo VN giữa dòng đời biến động

Ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, dầm mưa dãi nắng, ăn đói mặc rách suốt 49 ngày đêm thiền định dưới gốc bồ đề mới tìm ra chân lý giải thoát.
Ngày nay có những người xưng là đệ tử Phật gia nhưng hám mùi tiền, tham danh lợi, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi không khác chi hàng quyền quý.
Đã bước chân vào chốn 'Không Môn' chắc hẳn các vị ấy đều biết câu 'vô thường', 'giả tướng'?
Nếu không dứt được cái tâm vọng tưởng đối với sự vật hiện tượng thì sẽ dẫn đến u sầu, đau khổ khi mọi việc không được như ý.
Có sinh tất có diệt, có thành ắt có hoại, có hợp rồi sẽ tan, các vị tu hành có nghiên cứu kinh điển đều biết rằng vạn vật, từ thân thể cho đến của cải vật chất, đều là tổng hòa các mối nhân duyên. Đủ duyên sinh thì sẽ tạo, duyên diệt đến thì sẽ tiêu.
Thành ra các vị ấy mang tiếng tu hành mà nguyên lý căn bản nhất của nhà Phật cũng không biết thì chẳng qua chỉ là lợi dụng cửa thiền cho lợi ích riêng mình mà thôi.
Suy cho cùng, tu theo Phật pháp là cả quá trình luyện tâm rèn trí - giống như thuần hóa con trâu dữ. Bước vào cửa Không, từ bi không là chưa đủ mà còn phải có trí tuệ và dũng khí nữa.
Cần trí tuệ để nhìn thấu vạn vật và có dũng khí để không bị sức hút của vật chất. Khi đó mới có thể 'tinh tấn' đi trên con đường Đức Phật đã chỉ sẵn.
Cho nên cửa Phật thích hợp với những bậc tâm chánh trí sáng, bản lĩnh hơn người và tự giác buông bỏ để đi tìm sự giải thoát như Đức Vua Trần Nhân Tông hơn là với những người vì buồn chuyện tình duyên hay vì bất đắc chí mà tìm đến cửa Thiền để trốn tránh và càng không phải là chỗ cho những người còn ham muốn tiền bạc tiện nghi và chưa thoát được vòng tục lụy.

Ít bậc chân tu?

Từ ngàn xưa đến nay kẻ xuất gia thì nhiều nhưng mấy ai tu thành chánh quả?
Đại đa số chúng ta đều xoay vần trong cuộc sống hàng ngày nên không có cái nhìn vượt lên vòng sinh tử và càng không đủ sức thoát ra khỏi cuộc sống mình đã gắn chặt.
Người phát tâm tu hành thật sự là người hiểu được quy luật 'Sinh, Lão, Bệnh, Tử' của cái bàn cờ cuộc đời mà họ bị ném vào mà có vũng vẫy cách mấy cũng không thoát ra được.
Có ai sinh ra muốn mình sẽ già? Nhưng rồi ai cũng sẽ suy nhược đuối sức. Có ai muốn mình sẽ bệnh? Nhưng rồi có lúc sẽ đau đớn thể xác để rồi sức tàn lực kiệt. Có ai chịu nổi cảnh sinh ly tử biệt? Nhưng rồi cũng đến lúc phải vĩnh viễn rời xa những người thương yêu nhất mà không gì có thể níu kéo được!
Những bậc tu hành nắm rõ những điều này hơn ai hết. Từ đó họ sẽ có tâm thanh thản, bình an. Họ sẽ chẳng bận lòng có ít hay nhiều fan trên Facebook như vị trụ trì ở Hải Dương kia hay cũng chẳng quan trọng gì những lời cay nghiệt nếu mình không làm gì sai.
Và những người chân tu sẽ có tinh thần lạc quan, bình thản như mặt nước hồ trong không gợn sóng trước dòng đời biến động, giống như Mãn Giác thiền sư: "Xuân qua trăm hoa rụng - Xuân tới trăm hoa cười - Trên đầu việc đi mãi - Trước mắt già đến rồi".

Suy giảm niềm tin?

Nhưng nói gì thì nói, những vụ tai tiếng liên tục của các vị tăng ni vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin vào đạo Phật nói chung trong công chúng.
Tuy nhiên, Đức Phật đã nói đừng tin lời Ngài mà hãy thực hành. Thực hành hiệu quả mới tin.
Đức Phật từng nói khi thành đạo: "Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành."

Vườn Lâm Tỳ Ny ở Nepal nơi Đức Phật đản sanh.

Tức là Đức Phật cũng chỉ là người bình thường như mọi người nhưng là người đã tìm ra con đường giải thoát để chỉ dẫn chúng sinh và Ngài tin tưởng ai cũng có thể làm được như Ngài.
Ngài không phải bậc quyền năng, và pháp của Ngài, do đó, cũng không dựa trên những điều huyễn hoặc.
Con người đến với tôn giáo phần lớn là để tìm chỗ dựa tinh thần, nhưng với việc 'phải thực hành thì mới tin' thì các Phật tử chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình mà thôi.
Và nếu họ làm theo mà thấy hiệu quả thì dù người khác có làm sao hoặc có nói thế nào cũng không làm cho họ hết tin được.
Do Phật giáo không dạy về chữ 'Tin' mà chỉ là phương tiện để giúp con người thoát khổ nên sức mạnh của Phật giáo nằm ở Pháp chứ không phải số lượng tín đồ. Có thêm người theo, Đức Phật cũng chẳng mạnh thêm và bớt đi tín đồ cũng không làm cho Pháp của Ngài yếu đi.
Chính vì vậy Phật giáo không có các điều luật ràng buộc tín đồ và cũng không có nhu cầu tổ chức chặt chẽ và không xem việc truyền đạo là yếu tố sống còn.
Dĩ nhiên với tính chất và tổ chức như vậy thì những ai hướng đến Phật chỉ bằng niềm tin thì niềm tin đó ít nhiều sẽ bị lung lay trước sự xuống cấp của hàng tăng chúng. Còn những ai hiểu và thực hành chánh pháp thì chẳng ảnh hưởng gì.

Không còn hưng thịnh

Ít nhất Phật giáo Việt Nam ngày nay đã không còn hưng thịnh như xưa.
Được truyền đầu tiên từ Ấn Độ, Phật giáo thời sơ khởi ở Việt Nam đã phát triển đến mức có vị cao tăng được nước Đông Ngô thời Tam Quốc bên Trung Quốc mời sang giảng đạo.
Qua đường giao lưu văn hóa, Phật giáo thâm nhập vào Việt Nam 'ngọt nhuyễn' và không xảy ra một cú sốc nào.
Đó là vì Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa dân tộc, hòa quyện với tín ngưỡng bản địa, tập quán thờ cúng ông bà và tục thờ những người có công với nước.
Tôi từng thấy nhiều chùa chiền ở miền Bắc ngoài thờ Phật còn ban thờ tiên công, tiểu đồng, ban cô, ban cậu hay thờ những vị anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo...
Từ đó, Phật giáo gắn sâu và quyện chặt vào văn hóa Việt Nam như một phần máu thịt.
Hai triều đại đỉnh cao trong lịch sử dân tộc là Lý, Trần là cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam hưng thịnh nhất.
Lý Thái Tổ được dưỡng nuôi từ dưới mái chùa; Thiền sư Vạn Hạnh là bậc quốc sư tài trí vẹn toàn; Trần Thái Tông viết 'Khóa hư lục'; Trần Nhân Tông sau khi bình giặc lên Yên Tử khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm.
Ông 'Bụt' (tức Buddha) đã đi vào tiềm thức dân gian. Chùa chiền đi vào ca dao tục ngữ và thậm chí có câu nói trong Kinh Phật như ‘Hằng hà sa số’ (nhiềunhư số cát sông Hằng) đã trở thành lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân tộc.

Đường hướng trái nhau

Tuy nhiên, truyền thống đó của cha ông có thời đã bị tàn phá nhân danh ‘tư tưởng tiến bộ’.
Có những vùng ở Bắc Trung Bộ xóa trắng không còn một mái chùa trong khi có những ngôi chùa ở miền Bắc có hòm công đức nhưng không có nhà sư hoặc có những nhà sư mà tôi nghi ngờ không biết có thuộc câu Kinh Phật nào không.
Vài Giáo hội trong thời đại mới ngoài ‘Phật pháp – Dân tộc’ còn có thêm ‘Chủ nghĩa xã hội’.
Đành rằng chọn tôn chỉ thế nào là quyền của Giáo hội nhưng không thể đặt cạnh nhau hai đường hướng trái nhau.
Phật đâu dạy con người dùng bạo lực đấu tranh tiêu diệt người khác? Và dù giáo lý là ‘Không’ nhưng Phật dạy đừng chấp ‘Không’ và cũng không chấp ‘Có’ vì chỉ khi thoát ra được sự kiềm hãm của ‘Chấp’ con người mới đến được chân lý. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội là ‘chuyên chính vô sản’ nên cố chấp lý thuyết của mình là duy nhất đúng.
Tôi nhớ từng nghe trên sóng phát thanh ở Việt Nam câu chuyện một 'nhà sư' kể về việc 'khoác chiến y theo Đảng đi giết giặc'.
Mặc dù bảo vệ non sông là nghĩa vụ của mỗi người dân nhưng cách tuyên truyền như vậy không những phản cảm mà còn ngụ ý rằng cho dù Trời Phật gì cũng không bằng Đảng.
Điều lạ lùng là chủ nghĩa Marx-Lenin đả phá tôn giáo nhưng các Đảng Cộng sản trên thế giới đều có xu hướng thần thánh hóa lãnh tụ để người dân tôn thờ, ướp xác đưa vào lăng giống như đền thờ và đề cao ‘bản lĩnh chính trị’, kiểu như ‘Đức tin’, để đảm bảo mọi người luôn tin tưởng tuyệt đối.

Đức tin tôn giáo

Tuy nhiên phải hiểu rằng ngoài sự tin tưởng, ‘Đức tin’ trong các tôn giáo còn là lòng tôn kính đối với Đấng Tối cao. Lòng tôn kính đó là tình cảm hết sức thiêng liêng đáng được trân trọng.
Và khi Đức tin đó được hàng tỷ người tin theo, như Công giáo hay Hồi giáo, thì chứng tỏ nó phù hợp tình cảm con người, thể hiện những gì tốt đẹp ở con người và đem lại lợi lạc cho họ.
Đó là chưa kể những Đức tin đó đều hướng con người ta sống hiền lành, lương thiện nên có khả năng cải biến xã hội.
Để giữ đạo đức xã hội thì có những cái mà luật pháp không làm được nhưng tôn giáo lại làm được, chẳng hạn những điều cấm của Hồi giáo rất nghiêm ngặt nhưng tín đồ vẫn nhất nhất nghe theo.
Cho nên mới nói sự suy đồi đạo đức của xã hội ngày nay chắc gì không có liên hệ với việc tôn giáo suy vi sau nhiều năm bị kìm hãm hay tàn phá?
Tôi từng thấy cảnh bà cụ đầu tóc bạc phơ thành kính quỳ trước giáo đường và tôi tin rằng khi có niềm tin vào Đấng Tối cao như thế họ sẽ không thể làm điều ác.
Tôi cũng từng gặp những người Hồi giáo ở Indonesia hiền lành, nhân hậu, sống chan hòa với các tôn giáo khác.
Và trong Phật giáo, dù không có ‘Đức Tin’ vào Đấng Toàn năng nào nhưng trong mắt các Phật tử thì Đức Phật chính là Đấng Tối cao.
Điều đó cho thấy bản chất con người muôn đời vẫn yếu đuối và họ cần chỗ dựa tinh thần đến mức nào, nhất là trong những lúc nguy nan, khủng hoảng tinh thần nhất.

Làm chủ niềm tin

Chỗ dựa đó giúp con người vững vàng trong cuộc sống. Và khi có chỗ dựa, họ có xu hướng gắn chặt linh hồn vào đó và sẵn sàng sống chết vì nó.
Tuy nhiên, suy cho cùng, tôn giáo tồn tại trong xã hội loài người chính là để phục vụ con người.
Cái nguy ở chỗ khi linh hồn bị chiếm lĩnh thì con người có thể bị sai khiến làm gì cũng làm ngay cả đó là việc trái với lương tri – giống như những kẻ Hồi giáo cực đoan giết người vô tội không gớm tay chỉ vì tin rằng đó là ý Thượng Đế.
Cho nên, điều cần thiết là tín đồ sống theo Đức Tin nhưng đôi khi phải tỉnh táo biết làm chủ niềm tin của mình.
Về phần mình, không chỉ là chỗ dựa tinh thần, không chỉ là nguyên tắc đạo đức để sống tốt, Phật giáo còn là hệ thống triết lý về vũ trụ, nhân sinh mà Đức Phật đã truyền dạy trong hơn 40 năm thuyết pháp.
Giữa dòng đời biến động và cuộc sống đầy sức ép, hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp con người buông xả và hóa giải những năng lượng xấu như giận dữ, đố kỵ, ích kỷ để đạt cảm giác an lạc như lời Đức Phật dạy: ‘Tâm buồn khổ như con rắn dưới gầm giường’.
Hiểu Phật pháp cũng giúp con người có cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới để hòa hợp với thế giới, chẳng hạn chữ Hiếu theo đạo Phật là hiếu với cả bảy đời, hiểu chữ ‘chúng sinh’ là tất cả đều có sự sống quý giá hay biết rằng ‘các vật hữu tình’, kể cả động vật, đều có tình cảm.
Dù tăng chúng ngày nay có chỗ suy vi, nhưng nhiều người mong rằng đó chỉ là những mảng tối nhỏ nhoi trên nền trời tươi sáng./.